“Khánh Hòa là xứ trầm hương / Non cao biển rộng người thương đi về”. Câu ca dao ca tụng sản vật quý hiếm của vùng đất Khánh Hòa, nhưng ngày nay trầm hương ngày càng khan hiếm, núi rừng bị xẻ thịt bởi nạn khai thác vô tội vạ.
Song, điều thú vị là ở huyện Vạn Ninh – vốn là thủ phủ của trầm hương hơn 20 năm nay – đã mọc lên làng trầm mỹ nghệ Vạn Thắng. Nơi đây đã và đang tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng trăm người dân địa phương.
Đến xóm Đồn, xóm Than ở xã Vạn Thắng dễ dàng bắt gặp những căn nhà có hàng chục người cặm cụi ngồi “xoi”, “xỉa” trầm. Ở đó, có những ông chủ bình dị cùng những người thợ nam – nữ, già – trẻ suốt ngày tỉ mỉ, miệt mài bên những miếng trầm.
Ông Hai Tình (51 tuổi), thôn Quản Hội 1, đang ngồi tỉ mẩn đục, đẽo một cây cảnh trầm có giá gần 200 triệu đồng, vui vẻ cho biết: “Nghề này nhàn hạ lắm, chỉ ngồi trong nhà xoi, xỉa… Cả ngày tui kiếm được 150.000 đồng”.
Tuy thu nhập nghề xoi trầm không nhiều nhưng so với nghề “địu” trầm khốn khó, mức thu nhập này là vừa phải, người nào cũng làm được. Nhờ đó, làng nghề mỹ nghệ Vạn Thắng đã trở thành nơi giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương, đặc biệt giúp dân “địu” trầm được ổn định, không đi xẻ núi tìm trầm.
Những dụng cụ chế biến trầm rất đơn giản, mỗi người thợ đều tự trang bị cho mình bộ đồ nghề. Đó là những cái dũm, được đặt rèn tại những lò rèn trong thôn hoặc bán ở chợ, tùy loại lớn nhỏ có giá 20.000 – 30.000 đồng/cái. Dũm to để đàn ông dùng phá xác làm nhang, dũm nhỏ cho phụ nữ tỉa đường nhỏ vào sâu.
Theo ông Chín Điểm (48 tuổi) ở thôn Quản Hội, làm trầm mỹ nghệ phải trải qua bốn công đoạn gồm đẽo, phá xác, gạn và tỉa trầm. Việc học nghề rất đơn giản, chỉ một thời gian ngắn là có thể thạo việc. Các chủ cơ sở dựa vào tay nghề của người thợ để trả công phù hợp.
Cây dó bầu, nguyên liệu chính được mua từ nhiều nơi rồi thuê người xoi, xỉa để tạo thành những thân trầm cảnh có hình thù bắt mắt. Toàn bộ xác cây dó được bán làm nhang với giá 5.000 – 10.000 đồng/kg, riêng các phần mắt đảo, tốc, trầm kiến… bán được nhiều tiền hơn. Bởi vậy, thu nhập từ việc xoi, xỉa một cây dó bầu cũng vô chừng.
Ở xóm Đồn, không chỉ người lớn mà rất nhiều em nhỏ, thanh niên trong làng theo nghề. Em Lê Thị Mỹ Phượng, 16 tuổi, cho biết: “Nhà em nghèo, bố mẹ làm nông, thu nhập không đủ sống nên em phải xin nghỉ học, theo các bạn học nghề xoi trầm. Bây giờ một tháng em có thể kiếm được 600.000-800.000 đồng.
TIẾN THÀNH
Theo Tuổi Trẻ Online