Hãng tin BBC khi nói về trầm hương ở Việt Nam đã từng nhắc đến nguồn trầm hương ở xứ Tuần. Đây là nơi cung cấp trầm hương vô tận mà chất liệu của nó thì tốt có một không hai.
Nhân chứng hiếm hoi
Những người đi trầm thời ấy khi nói về những vùng đất có nhiều trầm nhất đều phải gật đầu thừa nhận rằng, những cánh rừng dọc đầu nguồn con sông Bồ lúc ấy trầm hương không biết bao nhiêu mà kể. Ông Lê Văn Tám (ngụ tại xã Hương Thọ, nay thuộc thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế), một trong những người đi trầm kỳ cựu đã kể cho chúng tôi nghe về Đồi trăm cây ở khu vực Mụ Nú, hòn A Te, thuộc bản A Roằng của miệt sông Bồ ngày ấy.
Sở dĩ, họ gọi vùng ấy là Đồi trăm cây, vì ở đó có hàng trăm cây trầm già từ vài chục cho đến vài trăm năm tuổi, đặc biệt là tất cả đều có trầm hương. Tuy nhiên, việc gặp một ngọn đồi mà hầu như mọi cây trầm đều cho dầu như trường hợp của xâu ông Tám và ông Nghiên là chuyện vô cùng hy hữu. Ông Tám bảo thực ra đoàn khai thác trầm của ông không phải là những người đầu tiên đặt chân đến Đồi trăm cây.
Ông Tám cho hay, dựa trên những dấu tích còn sót lại trên các thân trầm, thì có lẽ từ thời thực dân Pháp, người Pháp đã đưa người vào các cánh rừng này để khai thác trầm hương. Những cây trầm già nhất ở Đồi trăm cây đều đã được đục thử dầu ở gốc. Khi đoàn ông Tám đến tìm trầm ở khu vực này, những lỗ đục sâu hoắm trên cây trầm qua thời gian đã tích phủ một lượng lớn tinh dầu ở đó. Dựa trên sự hội tụ dầu ở các lỗ đục ấy, ông Tám bảo lỗ đục đó đã được tiến hành ít nhất cũng vài chục năm trước.
Nhắc đến những rừng trầm bạt ngàn thời ấy, những người chinh chiến một thời với trầm hương cũng không bỏ qua những cánh rừng ở khu vực Ba Lăng – Quảng Trị. Họ bảo, những cánh rừng trầm nguyên sinh thời ấy bạt ngàn như những rừng keo, rừng tràm như ngày nay. Đi tìm trúng những cánh rừng trầm ấy, chêm đến mỏi tay cũng không thể hết trầm.
Thời đó, những người tìm trầm không đốn cây bừa bãi. Họ cẩn thận đục thử tỉ mỉ, chỉ những cây có trầm hương mới quyết định đốn hạ. Trầm hương là loại cây thân gỗ tạp nên rất mềm, việc đốn hạ chỉ mất vài ba tiếng đồng hồ. Sau này, khi “cơn sốt” trầm hương lên đỉnh điểm, những người tìm trầm đã đốn hạ từ cây nhỏ đến lớn, và những cánh rừng trầm hàng trăm tuổi giờ chỉ còn trong ký ức…
Vẽ bản đồ khu rừng cho đời sau
Vào những năm 70 – 80 của thế kỷ trước, giá trầm hương vẫn còn thấp, người mua nhỏ giọt và chủ yếu dùng để se hương. Tuy nhiên, do cuộc sống quá khốn khó, người ta lũ lượt kéo vào rừng. Đến cuối những năm 80, giá trầm bắt đầu nhỉnh hơn một chút, thay vì mua giác xông (loại trầm mua để làm nhang), người ta đã biết phân loại và mua dầu. Tuy nhiên, do thiếu kỹ thuật nên việc khai thác trầm của những người đi rừng thời kỳ đầu rất sơ sài và lãng phí. Một cây trầm khi đục thử nếu có dầu sẽ được các tay đi rừng đốn hạ, họ chỉ lấy phần thân và hoàn toàn bỏ qua phần gốc rễ.
Khi giá trầm hương tăng đến chóng mặt, những người đi trầm thời kỳ trước bắt đầu nghĩ đến chuyện tìm về những vùng đất cũ để khai thác lại những khu rừng trầm một thời họ đã bỏ qua. Tuy nhiên, trở về khu rừng xưa sau vài chục năm để tìm lại những cội trầm mình từng khai thác không phải là chuyện giản đơn. Cuối cùng, khi những người cố cựu không thể vác ba lô vào rừng thì họ đã vẽ lại những bản đồ về kho báu “vàng đen” và truyền cho thế hệ sau để họ tiếp tục vào rừng với giấc mơ đổi đời.
Rừng già sau vài năm đã thay đổi đi rất nhiều, nếu vài chục năm thì dấu tích chỉ còn là một lớp bụi mờ nhạt trong tâm trí. Cũng có nhiều người quay lại và tìm thấy những cội trầm ngày xưa, theo dấu thời gian, gốc gỗ đã mục nát, nhưng những mảng dầu, nếu có thì vẫn còn ở đó mà thời gian không thể xóa dấu. Dân đi trầm gọi thứ trầm hương này bằng cái tên bình dị là trầm rục.
Có một sự thật rằng, khi giá trầm hương bắt đầu leo thang, thì những người đi trầm thời kỳ đầu đều đã ngấp nghé cái tuổi ngũ tuần, hoặc lục tuần, có người còn chạm đến cái ngưỡng thất thập cổ lai hy, mà người xưa gọi là tuổi xưa nay hiếm. Ít ai còn đủ sức để vác ba lô trên vai, băng suối vượt đèo và lội bộ trong rừng từ ngày này qua ngày khác. Giấc mơ trầm hương vẫn còn chảy trong huyết mạch của họ nhưng sức khỏe không cho phép họ thực hiện những chuyến hành trình dài. Đó là lý do những bản đồ được vẽ lại để thế hệ sau tiếp nối quá trình khai thác “vàng đen”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Nghiên cho biết, vì không còn sức khỏe để quay lại rừng, nên dù rất tiếc nuối kho “vàng đen” nhưng ông và bạn bè cùng lứa đành bó tay. Tuy nhiên, với niềm đam mê trầm hương vẫn còn chảy cuồn cuộn trong người, ông đã vẽ lại rất chi tiết địa điểm những cội trầm mà ông và các bạn của mình ngày trước từng làm. Qua những bản đồ được vẽ lại theo trí nhớ, ông Nghiên hy vọng, những thế hệ sau ông, có thể tìm về những vùng đất xưa để khai thác lại những gì thời của ông chưa lấy hết.
Ông Lê Văn Tám và ông Trần Nghiên cùng cho biết: “Việc vẽ bản đồ là hoàn toàn phụ thuộc vào trí nhớ của mỗi người. Nếu ai nhớ tốt thì bản đồ sẽ có phần chính xác hơn. Nói là chính xác nhưng thực chất thì khó lắm vì sau bao nhiêu năm, mọi thứ đã thay đổi rất nhiều. Qua bản đồ, người kế tiếp chỉ dựa vào đó để đến các cánh rừng ngày xưa những người đi trước đã săn lùng trầm mà thôi, chứ khả năng tìm được trầm tích là rất khó”.
Ông Nghiên cũng công nhận việc quay lại những vùng đất ngày trước để tìm trầm là một công việc thật sự khó khăn và nguy hiểm. Thời của ông do chiến tranh vừa đi qua, Nhà nước chưa có những chính sách để bảo vệ tài nguyên rừng nên việc khai thác rừng nói chung và khai thác trầm nói riêng ở thời kỳ đó không bị xem là phạm pháp, nhưng ngày nay, mọi thứ đã khác rồi.
Một trong những người vừa trúng trầm ở xã Hương Thọ là anh Lê Ky, người đã từng được ông Nghiên trao lại những bản vẻ dẫn đường để tìm về những cội trầm ngày trước. Anh đã thực hiện rất nhiều cuộc tìm kiếm dấu tích cũ theo chỉ dẫn của ông Nghiên nhưng không thành công. Trong đợt trúng trầm gần đây nhất của mình, anh Ky thừa nhận rằng đó là nhờ đào thấy một chiếc đe cũ được khai thác cách đây ngót nghét vài chục năm.
Tuy nhiên, những cuộc săn tìm trầm, dù có bản đồ kho báu rồi cũng đến ngày tận thế bởi không dễ tìm được những lộc trời này. Hơn nữa, ngày nay việc chặt phá rừng nay đã bị cấm hoàn toàn. Thêm vào đó, những cánh rừng trầm hàng trăm năm tuổi giờ cũng chỉ còn là trong ký ức của người từng đi tìm trầm. Sau những năm tháng tìm trầm và triệt hạ không biết bao nhiêu cây trầm ở chốn rừng sâu, những người khai thác trầm thời ấy mới nhận ra rằng, rồi một ngày cây trầm sẽ có nguy cơ bị diệt vong và hoàn toàn xóa sổ bởi những người khai thác trầm trái phép.
Và họ lo lắng sợ rằng, đến thời con cháu sẽ chẳng còn cây trầm nào tồn tại giữa rừng sâu. Thế là, khoảng chục năm trở lại đây, người ta đã tìm được cách ươm giống cây trầm và đưa vào trồng đại trà khắp khu vực miền Trung. Hầu như ở bất cứ ngôi nhà vườn nào cũng thấy lấp ló bóng dáng cây trầm. Những vùng đồi trọc, đất trống được khai thác triệt để trong việc trồng trầm, nhiều gia đình phất lên không phải nhờ vào nghề đi trầm như xưa nữa mà họ giàu lên nhờ những rừng trầm do chính tay họ vun xới.
Anh Lê Viết Thọ, một trong những thanh niên trẻ của vùng trầm hương xứ Tuần nổi tiếng một thời đùa rằng: “Nếu khoảng chục năm nữa, trầm không còn ăn, xứ này sẽ chẳng thiếu củi đốt”.
Nhất Nghệ – Trung Nghĩa
Theo Người đưa tin