Nhiều đại gia không ngại vung tiền mua dó trầm có giá hàng trăm triệu đồng để trưng bày trong nhà vừa độc đáo, lạ mắt vừa cầu tài lộc cho gia chủ.
Người dân không xa lạ gì về “thủ phủ” dó trầm Phúc Trạch (Hương Khê), nơi mà 10 năm trở lại đây được nhắc đến nhiều nhờ dó trầm.
Cũng cách đây 10 năm, khi mà cây bưởi Phúc Trạch chưa phát huy hiệu quả cao thì hàng trăm hộ dân chuyển đổi cây trồng, ồ ạt trồng dó trầm.
Đó cũng thời thời kỳ “vàng” của dó trầm, khi các thương lái Trung Quốc đổ xô vào vùng đất này săn trầm với giá cao ngất ngưởng.
Thấy được mặt lợi về kinh tế, nhiều gia đình từ chỗ gieo trầm, trồng trầm thì chuyển sang chế tác dó trầm thành các kiệt tác “độc, lạ” để bán trong nước và cả nước ngoài.
Đầu xuân năm Đinh Dậu, PV đã có cuộc ghé thăm các nhà chế tác dó trầm tài ba tại xã Phúc Trạch (Hương Khê).
Tại đây, những vườn cây của các hộ gia đình tại xã Phúc Trạch, Phúc Đồng xanh mướt những gốc trầm nối đuôi nhau dài vô tận như một khu rừng nguyên sinh “nhân tạo”.
Giữa bạt ngàn dó trầm, vang vọng tiếng đục giũa, mài gọt lách cách từ mỗi ngôi nhà nơi có những bàn tay “nghệ nhân” điêu khắc dó trầm khéo léo. Nhờ bàn tay “vàng” ngày đêm chăm chút từng khúc dó đơn chiếc, thô sơ thành những kiệt tác dó trầm tuyệt đẹp, người xem chỉ biết tấm tắc khen ngợi.
Với quan điểm chơi dó trầm để đưa lộc vào nhà, đem lại may mắn cho gia chủ, những gia đình chế tác dó trầm tại Phúc Trạch sẽ tìm chọn, chăm chút một “cây gia bảo” hoặc các kỳ thú dó trầm đặt vừa đủ trên bàn để bày bán.
Tại hộ gia đình anh Lê Văn Thọ và chị Võ Thị Nga, xã Phúc Trạch, những gốc trầm đã được chế tác bày trong nhà rất lạ mắt và kỳ thú. Theo gia chủ, khối tài sản với hàng trăm món dó trầm đã chế tác có giá trị lên tới hàng chục tỷ đồng.
Chị Nga cho biết các vật phẩm dó trầm đắt giá được coi như món quà quý biếu tặng, nhằm mang lại may mắn đầu năm. Nhiều người có tiền sẵn sàng rút ví mua những món đắt tiền để đi tặng, biếu.
“Để mua một cặp dó trầm đã qua “sơ chế” giá rẻ nhất cũng 10 triệu đồng, muốn cây cao lớn, có thế đẹp, nhiều dó thì phải từ 50-100 triệu đồng, đó là chưa nói đến những cây được gọi là “cây gia bảo” lên đến nửa tỷ đồng” – chị Nga nói.
Anh Lê Văn Thọ chia sẻ, cứ dịp Tết đến, đầu xuân thì người đi mua chế tác dó trầm nhiều. Có ngày anh bán được 100 triệu đồng.
Dó trầm xuất hiện vào thập niên 90 thế kỷ trước, người dân nơi đây tự gieo hạt rồi trồng ngay trong vườn. Nghề chế tác dó trầm chỉ mới manh nha 10 năm trở lại đây, rồi bỗng chốc thành “đồ quý” khi các thương lái săn đón.
Nguồn VTC News