Cái giá vài trăm đến hàng chục tỷ đồng cho những cân trầm hương, kỳ nam là hấp lực mãnh liệt bao đời khiến người dân vùng cao Quảng Nam bỏ làng, lao vào giấc mộng trầm, kỳ … Ít ai biết rằng đằng sau “ngậm ngải tìm trầm” là những “luật ngầm” nghiêm ngặt và những khắc nghiệt đầy máu, nước mắt.
Luật phu trầm
Hơn một tuần sau tin đồn trúng đậm kỳ nam hàng trăm tỷ của phu trầm Đại Lộc (Quảng Nam), chúng tôi tìm về xứ trầm xã Đại Nghĩa của huyện này, đến những thủ phủ trầm nổi tiếng một thời – Nông Sơn, Phước Sơn…
Ở tuổi 60, ông lão Nguyễn Văn Hường (thôn Trung Viên, Quế Trung, huyện Nông Sơn) đen sạm, săn chắc. Hơn 20 năm trước, lão đã là trưởng của một bầu (nhóm) trầm, gom người ở tận Huế, Phú Khánh (Khánh Hòa ngày nay) rong ruổi khắp các cánh rừng trầm Quảng Nam, Thừa Thiên – Huế, Phú Yên, Khánh Hòa… Lão Hường bảo: đi “điệu” (tìm trầm) cần sức khỏe của đám trai trẻ nhưng không thể thiếu kinh nghiệm của các vị cao tuổi.
“Ngàn cây dó mới có một cây có trầm, ngàn cây có trầm may ra mới có một cây có kỳ. Cây dó cao 30-40 mét trở lên, lá đã vàng thân cây có nhiều u bướu do bị kiến, côn trùng đục khoét, tạo thành các vết thương, từ đó tích tụ mới thành trầm. Kỳ thì vô cùng quý hiếm rồi” – lão Hường nói.
Chưa lúc nào trúng kỳ, nhưng lão thuộc làu làu những “luật ngầm” giới trầm như “chứng chỉ hành nghề” lận lưng. Rằng khi trúng trầm, kỳ, phu trầm phải thông báo cho cả bầu.
Mọi người phải đoàn kết, gắn bó, không hám lợi riêng. Nếu vì tư lợi mà sát hại, lừa lọc sẽ bị rừng bắt tội, quả báo, chết không nhắm mắt. Đặc biệt khi trúng kỳ nam, mọi người vừa đoàn kết, vừa phải cảnh giác cao độ.
Kinh nghiệm cho giới phu trầm thấy, nếu trúng “lộc rừng” loại này phải nhanh chóng đào bới, phân tán thành các cục kỳ để chia từng người. Rồi mỗi người mỗi hướng lao ra khỏi rừng, đón xe về nhà. Họ tiếp tục hẹn nhau một điểm để cùng bán và chia phần. Ai phát hiện kỳ nam sẽ được chia thêm một phần.
“Một luật bất thành văn, khi trúng kỳ thì không được lấy hết, phải để lại cho người “hưởng sái”. Lộc bất tận hưởng là thế! Nếu không sẽ khó lòng sống được” – anh Phạm Văn Ngưng (38 tuổi, người địa phương), cho biết.
Trúng trầm kỳ, giới phu trầm quy định phải chia tiền cho mọi người trong làng, người thân tùy lòng hảo tâm. Nhiều nơi quan niệm có người trúng “lộc rừng”, trong làng sẽ có hai ba mạng người phải chết thay. Vì thế, khi trúng trầm, nhiều người phải bỏ làng ra đi “lánh nạn”.
Thường trước chuyến địu trầm, giới phu trầm còn kiêng kị, như trước khi đi ba ngày phải tắm rửa sạch sẽ, không chung đụng với đàn bà. Đi phải âm thầm, không nói chuyện vì họ tin rằng, trầm là hiện thân của các thần hộ mệnh trong rừng, muốn gặp trầm lòng mình cũng phải sạch sẽ, thành tâm.
Nghiêm ngặt, khắt khe nhưng theo giới phu trầm, những quy định luật lệ đó không bao giờ thừa bởi khi trúng trầm, kỳ, cả bầu gặp không ít nguy hiểm do nạn trấn cướp, “xin đểu” và kịch bản lừa lọc của giới thương lái mua trầm kỳ.
Phu trầm Nguyễn Văn Trung giải thích: chỉ cần trúng trầm là rộ tin đồn ngay. Người trong cuộc còn chưa biết thực hư, nhưng giới thương lái họ đánh tiếng để gây sức ép, phá giá, buộc mình phải nhanh chóng bán tống, bán tháo nhằm kiếm tiền đi khỏi địa phương. Giá kỳ nam, trầm hương đắt thiệt nhưng phu trầm chỉ được phần nhỏ, còn lại bị giới thương lái ăn chặn hết.
Một người cười, trăm kẻ khóc
Mỗi chuyến địu trầm thường kéo dài vài ba tháng. Chốn rừng thiêng nước độc, cảnh “ngậm ngải tìm trầm” khắc nghiệt, hên xui như mò kim đáy bể. Người trúng kỳ đổi đời đếm trên đầu ngón tay! Đứng chỉ huy dàn thợ tất bật xây cất căn nhà 2 tầng dáng biệt thự khang trang trị giá gần tỷ bạc, đến giờ ông Võ Hồng Liên (55 tuổi, thôn Nghĩa Tân, xã Đại Nghĩa, Đại Lộc – Quảng Nam), tay phu trầm có tiếng, vẫn như chưa tin vào mắt mình.
Gần 20 năm trước, ông Liên thuộc hộ nghèo nhất nhì của thôn nghèo Nghĩa Tân, khăn gói theo các “xâu” (nhóm tìm trầm) lặn lội đến các vùng rừng sâu. Hầu như tất cả các cánh rừng từ Komplong, Tu mơ rông (Kon Tum) tới K’bang, Kongchro, AzunPa (Gia Lai) đều in dấu chân phu trầm Võ Liên, nhưng toàn thất bại.
“Bây giờ chuyện ngậm ngải cũng chỉ là giai thoại, nói cho vui thôi. Ngày xưa đồi núi hiểm trở, rừng thiêng nước độc, để tìm trầm, nghe kể người ta ngậm củ ngải đã được luyện bằng nước suối, bỏ vào ruột con lợn cho hổ ăn. Rồi săn con hổ đó, mổ bụng để lấy ngải. Ngải có tác dụng phòng tránh yêu ma, thú dữ cho phu trầm an toàn.
Lao vào vòng xoáy trầm kỳ như con bạc khát nước, thảng hoặc cũng có người may mắn đổi đời. Nhưng trăm, ngàn người còn lại thì lặn lội cả đời cũng chỉ trắng tay khóc ròng, thậm chí còn bỏ mạng, mất tích nơi rừng thiêng nước độc” – Phu trầm Nguyễn Văn Trung (37 tuổi, Quế Trung, Nông Sơn).
Tưởng chừng yên phận “gác kiếm” ở nhà phụ vợ còn làm nông, đùng cái tháng 7 – 2010, ông Võ Quốc Tuấn (55 tuổi, cùng thôn) xâu trưởng lại rủ ông đi. Lặn lội cả tuần đói khát ở vùng rừng K’Bang (An Khê). Đột nhiên đến ngày thứ 6, lão Tuấn ré vang khi phát hiện gốc dó chết rục, đặc quánh màu đen, đốt lên bay mùi thơm nức. Cú đó, 9 phu trầm trong đoàn trúng được hơn 2kg kỳ nam.
Ngay trong đêm, họ phân tán chiến lợi phẩm cho từng người rồi tức tốc rẽ rừng về làng. Hai chiếc ô tô của tay thương lái tên Khái (người Nha Trang, Khánh Hòa) biết tin tìm đến. Chưa đầy nửa tiếng, 2 kg kỳ nam được ngã giá hơn 30 tỷ đồng. Ông Liên cùng các thành viên được chia mỗi người 3,5 tỷ.
Theo luật của giới phu trầm, họ chia sẻ “lộc rừng” với người thân, dân làng, đóng góp tiền xây đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa… Số còn lại để bỏ ngân hàng. Nhóm trầm của ông Tuấn tuyên bố giải nghệ, lấy vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh. Các thành viên trong xâu đổi đời từ đó.
Từ hộ nghèo, ông Liên mua sắm xe cộ, sửa nhà. Riêng ông Tuấn chung tiền với bạn hàng mua xe xúc xe ủi tham gia nghề xây dựng. Ông Nguyễn Sâm (45 tuổi, cùng thôn Nghĩa Tân) thành viên xâu trầm ông Tuấn tậu con xe ô tô 4 chỗ, dự định tiếp tục phát triển thêm dàn xe ô tô chuyên về du lịch. Nhiều người sắm nhà cửa, mua đất nhà dưới thành phố Đà Nẵng…
Theo ông Cao Văn Nhạc – Chủ tịch UBND xã Đại Nghĩa: Bao đời nay, chỉ riêng vụ trúng kỳ nam năm 2010 của nhóm ông Võ Quốc Tuấn (thôn Nghĩa Tân) là đậm nhất, hi hữu. Đổi lại đã có bao số phận bi thảm vì trầm kỳ. Trong căn nhà cấp 4 xập xệ hiu hắt, gần 3 năm nay, chị Nguyễn Hân (35 tuổi, thôn Nghĩa Tây, Đại Nghĩa) sống cảnh mẹ góa con côi.
Chồng chị, anh Nguyễn Kích, sau những năm tháng biền biệt “ngậm ngải” tìm trầm đã bỏ mạng nơi rừng thiêng nước độc. Hè năm 2009, anh Kích nói đi chuyến cuối để gỡ gạc, ai ngờ mới 4 – 5 ngày, cả nhà nghe hung tin anh bị nước lũ cuốn trôi ở vùng rừng An Khê khi đang băng suối. Chị bất lực nhìn thằng con đầu 15 tuổi bỏ học rời làng thay cha đi địu trầm. Để bây giờ, lại thấp thỏm chờ tin con với những chuyến địu trầm biền biệt lành ít, rủi nhiều.
Ông Nhạc cũng cho hay, trước đó xã Đại Nghĩa có người dân làm rể xã Đại Quang (Đại Lộc) theo nghiệp địu trầm bị sét đánh chết giữa rừng năm 2008. Còn bị thương tật, ốm đau, sốt rét kể không hết. Không phải ngẫu nhiên, tháng 8-2010 vừa qua, tin đồn 14 phu trầm xã Đại Quang, Đại Nghĩa chết tập thể vì ăn nấm độc giữa rừng khi địu trầm khiến “rúng động” cả vùng, bởi với phu trầm, mọi tai họa đều có thể xảy ra. Người dân ai nấy thường trực nỗi lo đổi mạng vì trầm.
Trong câu chuyện miệt rừng của mình, lão ông Nguyễn Văn Hường nhớ như in chuyến địu trầm đầu năm 1999. Chuyến đó, chính ông cùng các thành viên đã lập mộ chôn hai anh em ruột phu trầm Minh – Mẫn (người Khánh Hòa) vì bị trấn lột, đánh đập đến chết nơi bìa rừng.
“Hồi đó cảnh đụng độ với bọn giang hồ nhiều như cơm bữa. Giới phu trầm chúng tôi tìm cách cắt rừng theo hướng mới nhưng vẫn bị giang hồ, người dân tộc thiểu số “phục kích” tại các bờ suối. Không chỉ bị trấn lột, tịch thu lương thực, tài sản, nhiều người còn bị đánh đập đến chết. Chưa kể việc ăn phải nấm độc, lá độc, sốt rét không kịp chạy chữa đành bỏ mạng. Đến giờ nhắc lại nhiều giới địu trầm giải nghệ còn ám ảnh” – ông Hường nói.
Lối rẽ nghiệp trầm
Giới trầm Nông Sơn, Đại Lộc những năm gần đây rành rõi với việc tạo trầm cho “dó vườn” thay cây dó rừng tự nhiên. Dó bàu cao 30 – 40m, đường kính 40 – 50cm, tuổi 6 – 8 năm thì khoan lỗ, bơm chất kích thích thu hút kiến, mối đến phá dó làm trầm. Đến 2 – 3 năm thì phá cây dó là có trầm, đánh về cơ sở đục đẽo, chế tác ra sản phẩm mỹ nghệ. Không chờ sự may rủi của số phận, nhiều phu trầm tìm nhánh rẽ mới.
Từng là tay săn trầm khét tiếng của xứ Nông Sơn, gần chục năm nay, anh Nguyễn Thành Chính (xã Quế Trung) bỏ hẳn nghề địu trầm, lập cơ sở riêng chuyên về chế tác sản phẩm trầm mỹ nghệ từ gốc cây dó. Anh đang thực hiện hàng loạt hợp đồng mua bán trầm mỹ nghệ với giới tư thương Trung Quốc.
Trong cơ sở của anh lúc nào cũng có gần chục lao động đục đẽo dó bầu, làm trầm, chế tác sản phẩm xuất khẩu. Anh Chính bảo: nếu chỉ chờ vào sự may rủi của “lộc rừng” chắc khó lắm. Đi trầm nhiều năm nhưng anh mất nhiều hơn được…
Anh Nguyễn Hoán Điển – cán bộ lâm nghiệp xã Quế Trung bảo, không còn cảnh đi địu trầm ồ ạt như trước đây, giờ dân Trung Phước ở nhà làm trầm trúng lắm. Hàng xuất ra chủ yếu sang Trung Quốc, một số vào TPHCM.
Người Trung Quốc tin rằng, có trầm để trong nhà, giống như hội tụ linh khí đất trời, xua đuổi tà ma. Chính vì thế hàng bán được giá. Mỗi cây trầm đến tuổi mua tầm 30 – 40 triệu đồng nhưng khi kích thuốc tạo trầm bán chừng 70 – 80 triệu đồng.
Hiện UBND xã Quế Trung đang đề xuất xây dựng thương hiệu sản phẩm trầm địa phương. Ông Nguyễn Văn Hai – Phó Chủ tịch UBND xã Quế Trung cho hay, thống kê toàn xã có gần 10 doanh nghiệp lớn làm trầm, số cơ sở và hộ gia đình thì nhiều hơn. Chỉ tính riêng các doanh nghiệp làm trầm ở xã, trong năm 2010 đã đạt doanh thu 50 – 70 tỷ đồng, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho hàng trăm lao động địa phương.
Sống chui lủi, bỏ làng vì tin đồn
Tin đồn trúng đậm kỳ nam hàng trăm tỷ đồng của “xâu” trầm Trần Liệu (khu 3, Ái Nghĩa, Đại Lộc) như “cơn bão” phủ khắp làng quê.
Ông Cao Văn Nhạc – Chủ tịch UBND xã Đại Nghĩa khẳng định chắc nịch: nhóm phu trầm của ông Trần Liễu (khu 3, thị trấn Ái Nghĩa, Đại Lộc) cùng 7 người thôn Nghĩa Tân, Nghĩa Tây của xã chỉ trúng kỳ nam từ vài trục triệu đến hơn 60 triệu đồng, không hề có chuyện hàng trăm tỷ như lời đồn đoán. Nhưng đã có trên dưới 500 người xứ trầm này bỏ làng địu trầm.
Chúng tôi tìm về nhà Nguyễn Ngọc Sĩ (16 tuổi, thôn Nghĩa Tây, Đại Nghĩa) thuộc nhóm địu trúng trầm. Mẹ Nghĩa đóng rầm cửa như đề phòng kẻ “xin đểu”: “Nó trúng trầm có vài chục triệu bạc, vậy mà người ta phao tin bạc tỷ. Đồn gì mà ác rứa! Trầm kỳ chưa trúng mà thằng Sĩ nó phải bỏ làng đi lánh nạn rồi” – mẹ Sĩ bức xúc. Sang nhà anh Trần Liệu cũng cửa đóng then cài.
Ông Hứa Văn Hùng – Phó chủ tịch UBND Thị trấn Ái Nghĩa phân trần: Ðịa phương chỉ có 2 người trúng trầm nhưng được họ xác nhận trúng vài chục triệu đồng. Vậy mà người ta đồn đại trúng bạc tỷ khiến họ giờ phải sống chui lủi, bất an, không dám ở làng. Các khu xóm cũng không yên bởi nguy cơ mất an ninh trật tự, đối tượng “xin đểu” gây phức tạp tình hình, làm xáo trộn cuộc sống của người dân.
NGUYỄN HUY
Theo Tiền Phong