Loạt phóng sự dài kỳ

Mê cung giá cả, mánh mung (Trầm hương ký sự – phần 2)

khối trầm hương tại bảo tàng atc

Ngay cả những người lão luyện trong nghề cũng khó phân biệt các loại trầm hương, kỳ nam để định giá. Người mua, kẻ bán đều mơ hồ như lạc vào thế giới trầm kỳ

Nghề đi địu (kiếm trầm kỳ) tồn tại ở huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa hàng trăm năm nay nhưng khi chúng tôi ngỏ ý muốn tìm hiểu về các loại trầm kỳ thì nhiều phu trầm, chủ xưởng đều lắc đầu, chặc lưỡi: “Phức tạp lắm! Người ngoài giới chắc chắn không thể “lĩnh hội” được. Người trong nghề có khi còn bị chết đứng…”.

Lựa trầm bằng… kinh nghiệm

Theo kinh nghiệm phân biệt trầm kỳ của ông Nguyễn Văn Tưởng, Giám đốc Công ty Trầm hương Khánh Hòa, trầm hương cứng, nặng, ít thơm, sắc nhạt, vị đắng, cay, có mùi ngát; kỳ nam có nhiều dầu, mềm nhẹ, mùi thanh. Kỳ nam có đủ 4 vị cay, chua, ngọt, đắng.

Kỳ nam có 4 loại “nhất bạch, nhì thanh, tam huỳnh, tứ hắc”, trong đó bạch kỳ có sắc trắng, chất mềm và rất nhiều dầu. Thanh kỳ có màu hơi xanh, nhiều dầu thì mềm, ít dầu thì cứng. Huỳnh (hoàng) kỳ có màu vàng như sáp ong, chất cứng và nặng, để lâu khô dầu trở nên nhẹ. Hắc kỳ có màu đen, chất cứng. Ngoài 4 loại kỳ trên, dân đi địu còn biết đến hổ kỳ nam (màu rằn rằn như da hổ), trước đây không ai dám lấy vì kiêng kỵ nhưng hiện hổ kỳ đã được thị trường ưa chuộng và có giá trị cao.

Trầm hương cũng chia làm 4 loại: Trầm kiến (do kiến đục vào cây dó mà thành), trầm do rễ cây sinh ra, trầm mắt tử tạo trên nhánh cây và trầm tốc ở nơi thân cây. Trong trầm kiến còn phân biệt kiến xanh, kiến điệp, kiến kim, kiến lỗ, kiến trắng…

Trầm tốc thì chia thành tốc bông, tốc nước, tốc xám, tốc lọ nghẹ, tốc đá, tốc ớt, tốc hương (bao chung quanh kỳ nam, nếu dầu nhiều thêm thì tốc hương trở thành kỳ)… Ngoài trầm núi, còn có 3 loại trầm trồng khác là sánh bì, khoan, mắt đảo.

Trầm mắt đảo của ông N.D.T có giá cao

Trầm mắt đảo của ông N.D.T có giá cao

Lý thuyết là vậy nhưng thực tế rất khó phân biệt. Ông Nguyễn Duy Tân, ngụ thôn Phú Hội 2, xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa – người có thâm niên đi địu trên 20 năm, chia sẻ: “Mỗi lần đào được hàng, chúng tôi thường đốt thử và nhâm nhi một ít. Nếu khói bay vòng thì trầm, bay thẳng – cao thì kỳ. Khi nhâm nhi nếu thấy đắng, ít thơm là trầm; còn nồng, tê đầu lưỡi thì biết là kỳ”.

Ông Tân cho biết trong 20 năm đi địu, chỉ 1 lần ông trúng kỳ nhưng chỉ được vài lạng. “Mà mình có thẩm định là kỳ thì các đầu nậu thẩm định lại bảo trầm thì cũng chịu” – ông Tân nói.

Đủ loại giá

Ông Tấn Ba (63 tuổi, ngụ thôn Phú Hội 3, xã Vạn Thắng) cho biết: Từ trước năm 1975, thanh niên ở làng đi địu về đều bán trầm hương cho các lái buôn người từ Trung Quốc sang hoặc người Hoa ở Sài Gòn. Cho đến nay, Trung Quốc vẫn là thị trường truyền thống của Vạn Ninh. Giá cả trầm kỳ thì không thể nói trước được vì còn tùy thuộc vào hình dáng, đặc hoặc rỗng và các đầu nậu thường nghĩ ra đủ mọi cách để ép giá.

Theo lời giới thiệu của ông Ba, chúng tôi tìm gặp ông N.D.T, chủ cơ sở trầm ở Vạn Thắng. Bắt đầu câu chuyện, chúng tôi hỏi người ngoại đạo nếu nghe ông kể có học nghề được không, ông cười xòa: “Người trong nghề có khi còn bị chết đứng thì ngoại đạo như mấy anh làm sao học được”.

Theo ông T., bạch kỳ nam có thể bán được giá 50 tỉ đồng/kg nhưng loại này cực hiếm. Thanh kỳ to bằng lon bia thả vào nước nếu nổi lưng chừng mới có giá 8-10 tỉ đồng, còn chỉ nổi trên mặt nước thì mua giá 4-5 tỉ đồng/kg- đồng giá với hắc kỳ, huỳnh kỳ. Còn trầm hương lượng dầu ít nên thường chìm dưới nước.

Là người làm nghề lâu năm nên ông T. có chút tiếng tăm, nhiều bạn hàng quốc tế đặt hàng. Tuy vậy, không phải lúc nào ông T. cũng dám nhận hàng của những người đi địu vì giá trầm, kỳ rất khó lường. “Có thể mình mua với giá của trầm hương nhưng bạn hàng đánh giá là kỳ nên lời to. Ngược lại, có lúc mua giá kỳ nhưng bị đối tác bảo là trầm thì cũng chịu… Do đó, muốn “trụ” được với nghề này thì phải có “kinh nghiệm trận mạc” và có tầm nhìn, nếu không sẽ sạt nghiệp” – ông T. nói.

Một khối trầm hương được lấy ra từ cây dó bầu

Một khối trầm hương được lấy ra từ cây dó bầu

Theo lời rỉ tai của ông T., nhiều phi vụ ông phải “bán cái” cho “chúa trầm” ở xứ này là đại gia T.K. Với tiềm lực mạnh, chỉ có ông T.K mới chịu được những cú lỗ trắng tay để rồi kiếm lại những cú hời lớn khác bù lại.

Bí mật thông tin

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đại gia T.K có “tòa lâu đài” 4 mặt tiền ở sát thị trấn Vạn Giã (thuộc xã Vạn Thắng). Tìm hiểu về đại gia T.K rất khó khăn vì nhân vật này kín tiếng, hành tung bí ẩn. Tuy nhiên, nhắc đến T.K, không một phu trầm chuyên nghiệp nào không biết vì T.K chơi rất trội.

Một phu trầm giấu tên cho biết: Đại gia này rất biết nuôi quân, nếu phu trầm nào hết lộ phí đi địu, chỉ cần đến nhà xin là “ông trùm” sẽ cấp vốn ngay. Ông T.K làm vậy nên giới địu rất nể phục ông nhưng đó thực chất cũng là cách mà đại gia này giăng mồi hữu hiệu. Vì khi hàm ơn, những phu trầm “ăn được hàng” sẽ bán cho T.K.dù đại gia này ép giá hoặc các thông tin về kỳ nam sẽ bị tiết lộ.

“Kỳ nam là sản vật bị cấm mua bán, mỗi thương vụ kỳ nam lên đến tiền tỉ, nếu bị bắt thì cả đại gia lẫn phu trầm đều mất trắng, do đó việc mua bán rất kín đáo. Ngoài ra, một luật bất thành văn của dân địu là nếu trúng trầm kỳ là họ giấu kín như bưng, không tiết lộ bao giờ” – người phu giải thích thêm.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 5-3

Bài liên quan:

Kỳ trước: Giấc mộng trầm hương

Kỳ tới: Tạo trầm trong tầm tay

 

KỲ NAM

Theo Người Lao Động

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *