Do được thiên nhiên ưu đãi nên vùng đất thuộc tỉnh Khánh Hoà có nhiều lâm sản quý, nhất là các thứ gỗ như gỗ trắc, sao, huỳnh đàn, giáng hương, gỗ mun.…Thế nhưng, đặc biệt nhất là trong các khu rừng Khánh Hoà có cây Trầm Hương, một loại lâm sản quý vào bậc nhất.
Trầm Hương có nhiều ở rừng Việt Nam, nhưng chỉ có Trầm Hương ở rừng núi Khánh Hoà thì không đâu bì kịp. Vì thế trong dân gian mới có câu:
“Khánh Hoà là xứ Trầm Hương,
Non cao biển rộng người thương đi về.”
Và, không chỉ trong ca dao, các sử liệu cổ của Việt Nam cũng đã nhắc tới Trầm Hương của vùng đất Khánh Hoà xưa.
Trầm hương Khánh Hòa trong sử liệu Việt Nam
Lê Quý Đôn (1726 – 1784) trong Phủ biên tạp lục (viết năm 1776) đã có những dòng viết và đánh giá về các nguồn Trầm Hương. Ngay ở những dòng đầu, ông đã khẳng định:
“Kỳ nam hương xuất tự đầu núi các xã thuộc 2 phủ Bình Khang và Diên Khánh xứ Quảng Nam là thứ tốt nhất; xuất tự Phú Yên và Quy Nhơn là thứ hai. Hương áy là do ruột của cây dó kết thành”
Tiếp theo những dòng trên, Lê Quý Đôn còn cho chúng ta biết cách phân biệt những giá trị của trầm hương và kỳ nam: “Trầm hương thì cứng, nặng, ít thơm, sắc nhạt, vị đắng; kỳ nam thì mềm, nhẹ, có hơi dầu, thơm mát, vị gồm đủ cay, chua, ngọt, đắng; đốt trầm hương thì khói hết xoáy rồi sau mới tan, đốt kỳ nam thì hơi khói lên thẳng mà dài…”
Mà, cả hai phủ Bình Khang và Diên Khánh đều là đất của tỉnh Khánh Hoà ngày nay.
Về sự hình thành hai phủ này, sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn chép:
“Bản triều, năm Quý Tị thứ 5 đời Thái Tông (Nguyễn Phúc Tần – 1675), vua Chiêm Thành là Bà Bật lấn biên giới, bản triều sai Cai cơ Hùng Lộc hầu đi đánh. Người Chiêm đầu hàng, do đấy chiếm lấy đất từ sông Phan Rang trở về phía đông đến địa giới Phú Yên, đặt hai phủ (Thái Khang và Diên Ninh)…
Năm Canh Ngọ thứ 3 (1690) đời Anh Tông, đổi phủ Thái Khang làm phủ Bình Khang; Năm Nhâm Tuất thứ 4 (1742) đời Thế Tông, đổi phủ Diên Ninh làm phủ Diên Khánh…”.
Phủ Bình Khang khi đó gồm 2 huyện là Quảng Phúc và Tân Định; còn phủ Diên Khánh thì có 3 huyện là Phúc Điền, Vĩnh Xương và Hoa Châu.
Tỉnh Khánh Hoà được đặt năm Minh Mệnh thứ 13 (1832) nhưng chỉ đến năm Thành Thái thứ 13 (1901) mới có địa giới tương đương hai phủ Bình Khang và Diên Khánh trước đó, tức gồm hai phủ là Diên Khánh (tên không đổi) với hai huyện Phúc Điền, Vĩnh Xương và phủ Ninh Hoà (Bình Khang xưa) với hai huyện Quảng Phúc và Tân Định.”
Không chỉ được ghi nhận một cách trân trọng trong các sử liệu, cây trầm hương còn được các vua triều Nguyễn khắc lên cửu đỉnh (được đúc từ cuối năm 1835 đến đầu năm 1837 thì hoàn thành) đặt trước sân nhà Thế Miếu trong Hoàng Thành.
Trầm hương được khắc trên Cao Đỉnh (Cao là miếu hiệu của vua Gia Long), còn kỳ nam được khắc trên Nhân Đỉnh (Nhân là miếu hiệu của vua Minh Mạng) với dòng ghi chú: cây ở vùng rừng Khánh Hoà, ruột lõi rất thơm.
Như vậy là, kể từ khi vào khai thác vùng đất Khánh Hoà, người Việt đã biết khai thác và sử dụng trầm hương.
Đã từ rất lâu, cũng không biết từ bao giờ, Khánh Hoà được nổi danh là “Xứ Trầm Hương”.
Thế nhưng trước đó, “Xứ Trầm Hương” thuộc đất của Chiêm Thành. Vậy người Chiêm Thành xưa kia đã biết đến và đã khai thác trầm hương chưa?
Trầm hương Khánh Hòa trong sử liệu nước ngoài
Rất may là các sử liệu cổ của Trung Quốc đã cho chúng ta biết khá rõ về nhiều phương vật của nước Chiêm Thành xưa, trong đó có trầm hương.
Ví dụ, khi viết về nước Lâm Ấp vào đầu thế kỷ VII, Lương thư (quyển 54), Liệt truyện (quyển 48), Chư Di – Hải Nam có đoạn nói về một quốc gia có tên là Tây Quốc Di: “Lâm Ấp vốn là huyện Tượng Lâm, quận Nhật Nam đời Hán… Biên giới phía nam đi đường thuỷ bộ hơn 200 dặm có Tây Quốc Di cũng xưng Vương… Nước đó có núi vàng… Lại sản xuất đồi mồi, vỏ bối, ngà voi, cát bối, hương gỗ trầm…
Gỗ trầm, thổ nhân đẵn ra, để cất hàng năm, mục nát nhưng lõi ruột vẫn còn, bỏ vào nước thì chìm, nên gọi là trầm hương, thứ nữa là loại không chìm không nổi gọi là sạn hương… mà, Tây Đồ Di sau này trở thành đất Chiêm Thành, chính là vùng đất Khánh Hoà ngày nay.
Về điều này, Đại Nam nhất thống chí, khi viết về lịch sử của tỉnh Khánh Hoà, có nhắc tới việc vùng đất vốn là “Khiếu ngoại quốc” này (hay Tây Đồ Di) “sau bị Chiêm Thành gồm chiếm, sau là đất Chiêm Thành”.
Trầm Khánh Hòa – Một sản vật, cống vật giá trị cao
Các sử liệu cổ của Trung Quốc còn cho biết, ngay từ thế kỷ III sau công nguyên, trầm hương của Chămpa đã được người Trung Quốc biết đến và luôn được ghi chép là cống vật của người Chămpa.
Về sau này, sau thế kỷ X, người Hồi giáo và người phương tây cũng hay nhắc tới trầm hương của Chămpa.
Ví dụ, Tome Pires viết: “Trong các mặt hàng của Chămpa, quan trọng nhất là kalambak. Đây là loại trầm hương thực sự, là loại trầm hương tốt nhất trong các loại trầm… Loại Kalambak chất lượng tốt nhất là ở Chămpa…”
Trầm hương cũng đóng vai trò quan trọng trong lịch sử giao lưu giữa Việt Nam và Nhật Bản. Kỳ nam được xem là đi từ vùng đất nay là Việt Nam, thường được người Nhật gọi là kyara 伽羅.
Theo Nakata Kyôzaburô, tên “kỳ nam” nguyên là tiếng Chămpa bởi Chămpa là những người đi buôn “kỳ nam” từ lúc ban đầu. Tên “kỳ nam” là tổng hợp của tiếng Phạn (Sanskrit) “kara” nghĩa là màu “đen”, và chữ “bak” tiếng Tàu nghĩa là “cây, gỗ” (木mộc).
Với sự tổng hợp của hai ngôn ngữ, chúng ta có từ “kalambak”, rồi dần dà từ này được rút ngắn lại để trở thành “kỳ nam”, tức là “gỗ đen”, như chúng ta có ngày nay.
Không chỉ người Chămpa mà sử sách còn cho biết người Việt thời xưa cũng dùng trầm hương buôn bán với người Trung Quốc. Thế nhưng, cũng các sử liệu trên cho biết, trầm hương mà người Việt có được là từ Chămpa.
Ví dụ: Khi chép về việc giao thương buôn bán giữa các thương nhân Trung Quốc thời nhà Tống, sách Lĩnh Ngoại đại đáp cho biết hàng của Giao Chỉ (tên nước Việt thời nhà Đinh) đến Khâm Châu đem bán có bạc, đồng, trầm hương, quang hương, ngà voi, sừng tê…
Cũng sách trên chép, trầm hương của Giao Chỉ bán sang Trung Quốc đều là trầm của Chiêm Thành.
Dựa vào các nguồn sử liệu khác nhau, các nhà nghiên cứu cho rằng, vào thời Lý, Đại Việt đã buôn trầm của Chiêm Thành rồi bán sang Trung Quốc.
Lịch sử trầm hương Việt Nam thời kỳ cận và hiện đại
Thậm chí đến đầu thế kỷ XVII, dựa vào các nguồn tài liệu Trung Quốc trước đó, Zhang Xie đã làm một bảng danh sách những sản vật của Chămpa gồm:
“Vàng, bạc, thiếc, sắt, ngọc trai, hổ phách, sừng tê, ngà voi, mai rùa, trầm hương, gỗ đàn hương, long não, xạ hương, đinh hương, trầm, gỗ mun, tổ yến, gạo, hạt tiêu, cau, dừa, mít, nhục đậu khấu, tê giác, sư tử, voi, vượn, khỉ trắng, voi trắng, vải bông trắng, chiếu lá cọ, sáp ong vàng, lưu huỳnh, gỗ vang…”
Không chỉ thời xưa , mà vào thời cận và hiện đại, nhiều nơi trên thế giới như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và các nước Châu âu đã biết đến và có những đánh giá rất cao về các loại trầm hương có nguồn gốc từ Việt Nam.
Trong nhiều sách của nước ngoài, trầm hương Việt Nam được xem là tốt nhất.
Thậm chí, vị giáo sĩ Đắc Lộ (Alexander de Rhodes) còn nhấn mạnh rằng “chỉ Việt Nam mới có kỳ nam”.
Gần đây, vào năm 2003, tại cuộc hội thảo quốc tế về trầm hương ở Việt Nam, các nhà khoa học đã đưa ra lời khẳng định: “Trầm hương của Việt Nam là tốt nhất, được mua với giá cao nhất, sản lượng trầm trên thế giới bị phụ thuộc vào Việt Nam.
Và Việt Nam được xem không chỉ là vương quốc của trầm hương trong quá khứ mà còn là nguồn trông cậy của thế giới hiện nay và trong tương lai, bởi trầm là loại dược liệu và cả hương liệu thặng hạng không gì có thể thay thế”.
Bên trên là những thông tin về Trầm hương Khánh Hòa theo dòng lịch sử trong và ngoài nước. Nếu có câu hỏi gì hãy để lại comment của bạn để cùng bàn luận nhé!
Bài viết liên quan: