Trong hơn 1 triệu loài động vật, hơn 300 ngàn loài thực vật đã được con người nhận biết thì chỉ có một loài động vật và một loài thực vật cho mùi hương đặc biệt nhất, quý hiếm nhất, đó là con cầy hương và cây dó bầu.
1. Trong hơn 1 triệu loài động vật, hơn 300 ngàn loài thực vật đã được con người nhận biết thì chỉ có một loài động vật và một loài thực vật cho mùi hương đặc biệt nhất, quý hiếm nhất, đó là con cầy hương và cây dó bầu.
Cầy hương luôn có một túi hương phát xạ trong mùa động dục để dụ bạn tình, còn cây dó bầu không biết yêu nên phải có tác động từ bên ngoài mới kết dầu, cho hương, được mệnh danh là “mùi hương của chúa”. Khi hàm lượng dầu lớn hơn 25% thì thanh dó bầu chìm trong nước, vì thế dân gian gọi là trầm hương – hương trầm trong nước, thành quen, cây dó bầu cũng được gọi là cây trầm hương.
Tinh dầu xạ hương mà phối với tinh dầu trầm hương sẽ cho ra một loại “bùa yêu” không thể cưỡng nỗi. Các nhà hương liệu nổi tiếng trên thế giới đã hé lộ công thức: Nếu phối trộn 85% tinh dầu trầm, 15% tinh dầu xạ hương thì sẽ tạo ra hương thơm dùng cho phái nam, vì nó làm cho phái nữ không thể không tìm đến. Nếu phối trộn với tỷ lệ ngược lại thì hương thơm ấy dành cho nữ giới, vì nó có sức tập họp phái nam không khác ong thợ phải tìm tới ong chúa!
Vì là “mùi hương của chúa” nên tinh dầu trầm hương còn là chất định hương số 1 trong các loại nước hoa và mỹ phẩm cao cấp.
Xạ hương nguyên chất có thể sớm “mất hương” còn hương của kỳ nam, hay còn gọi là trầm kỳ, kỳ hương, tức trầm hương hạng nhất (hàm lượng dầu trên dưới 80%) thì có hương thơm gần như mãi mãi. Vì thế mà có những đồ trang sức làm từ kỳ nam như chuỗi vòng tay, vòng cổ đeo từ thời con gái đến khi thành bà lão vẫn còn tỏa hương, những đồ mỹ nghệ làm từ kỳ nam có mùi hương vĩnh viễn. Kỳ nam còn là vật cất giữ có giá trị như vàng.
Người theo đạo Islam coi trầm hương là vật thiêng, hương trầm chuyển tải lòng thành đến đấng tối cao là thánh Allah. Người Việt quan niệm trầm hương là phúc lộc trời ban, là linh hương dẫn tài, tụ lộc, đem lại phước lành, sức khỏe, sắc đẹp.
Khoa học đã chứng minh mùi trầm là dinh dưỡng ở dạng khí, tạo sức lực cho cơ thể hoạt động, chữa được nhiều căn bệnh, cả bệnh tâm lý. Theo Đông y, trầm hương bổ dương, bổ thận khí, trợ tim, chống ung thư, chống yếu sinh lý…
Trầm hương được chia làm 3 hạng, mỗi hạng lại chia làm 6 loại, nhưng giới mua bán trầm khúc hay trầm mảnh ở Việt Nam thường đánh giá chất lượng dựa vào nguyên xứ, loại hương, độ tinh khiết, tỷ trọng, hình thù, kích cỡ, màu sắc. Riêng khối Ả Rập, dù nhập của nước nào, dưới dạng trầm nguyên liệu, kỳ nam hay tinh dầu, người ta chỉ ngửi để phân loại, định giá, tất nhiên là qua mũi của những chuyên gia mùi giỏi nhất.
2. Chiều tối 23/8/2010, thông tin một nhóm 9 người tại xã Đại Nghĩa và xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam tìm trầm tại khu vực đèo Phượng Hoàng (An Khê, Gia Lai) trúng 13kg kỳ nam từ một gốc cây trầm rục lan nhanh khiến phu trầm các tỉnh Trung Trung bộ choáng váng như bị điện giật, khiến lái trầm nhấp nhổm như ngồi trên tổ kiến lửa. Khi một đầu nậu trầm ở Khánh Hòa – tỉnh từng mang danh “Xứ trầm hương” mua mão được 15kg kỳ nam ấy với giá 30,5 tỷ đồng thì người ta mới tin đó không phải là tin xạo.
Và có lẽ đó là mẻ trầm cuối cùng tìm được tại Việt Nam, bởi sau đó hàng trăm phu trầm đổ vào rừng mấy tháng trời vẫn không tìm thêm được một mảnh gỗ chứa trầm nào. Không ai biết 15kg kỳ nam ấy giờ phiêu bạt nơi đâu, chúng có biết bây giờ mỗi kg có giá đến 2,5 triệu USD?
Quý hiếm vậy nhưng thương hiệu “Trầm hương Việt Nam” mất dần trên thị trường hương liệu, dược liệu thế giới khi mà cây dó bầu hầu như không còn trong tự nhiên.
Trầm hương của nước ta nổi tiếng từ thế kỷ III, thời quốc hiệu Âu Lạc, bởi những thương nhân Ấn Độ và Trung Hoa chuyển qua con đường tơ lụa tới Trung Á và bán đảo Ả Rập, vậy nhưng chỉ trong 25 năm, từ 1975 – 2000, cây dó bầu bị phu trầm săn lùng, đốn hạ đến tiệt diệt, dù có đầy đủ ban bệ, trạm chốt bảo vệ rừng từ trung ương đến làng bản!
Không còn cây dó bầu trong tự nhiên ở Việt Nam trong khi các nước có loại cây này mới đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu của thế giới về hương liệu và dược liệu từ trầm hương, nên đã có người tiên phong mở ra hướng sản xuất nhân tạo.
3. Việc trồng trong vườn để làm cảnh hay khi phá rừng làm rẫy, dựng nhà, có người giữ lại những cây trầm hương nay đã thành cổ thụ, thành “cây di sản” không là chuyện mới, nhưng gầy dựng loại cây này theo cách lập vườn rừng, vườn hộ như trồng cây keo lá tràm lấy gỗ thì mới có 20 năm trở lại đây.
Theo thống kê của Hội Trầm hương Việt Nam, nước ta có 25 tỉnh trồng cây dó bầu, đã trồng khoảng 18.000ha, tập trung ở Hà Tĩnh, Quảng Nam mỗi tỉnh khoảng 3.000ha, còn lại là ở Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, An Giang, Kiên Giang,… mỗi tỉnh trên dưới 500ha.
Trong tự nhiên, 1.000 cây dó bầu chưa chắc đã có một cây cho trầm, một triệu cây dó bầu chưa chắc đã có một cây cho kỳ nam (nếu trồng tập trung khoảng 1.000 cây/ha thì phải 12ha sau 100 năm may ra mới có một cây dó bầu cho kỳ nam). Xưa kia, người tìm trầm nhìn cây, nhìn lá biết trong thân hay dưới rễ có trầm mới quyết định đốn hạ, đào gốc, còn không thì giữ lại cho rừng, cũng là cho mình, cho con cháu mai sau. Sau này, hễ gặp cây dó bầu, dù mới bằng bắp tay, phu trầm đều đào tận gốc, trốc tận rễ, nên giờ mới phải trồng.
Cũng may là khoa học phát triển, người ta biết trầm hương hay kỳ nam chính là nhựa của cây dó bầu tiết ra để chống “vật thể lạ” xâm nhập, như vi khuẩn, nấm hay kiến, ong đục lỗ làm tổ, tức “cơ chế” tạo trầm giống như cơ chế tạo ngọc của con trai, tất nhiên là với rất nhiều chuyển hóa hóa học bởi còn bị tác động bởi thổ nhưỡng, khí hậu.
Do được thổi phồng quá mức hiệu quả, như ngoài cho trầm còn cho gỗ làm đồ mỹ nghệ, gia dụng, làm bột giấy, bột nhang, lá làm trà, làm dược liệu, vỏ làm sợi nên 15 năm trước đã dấy lên phong trào ồ ạt trồng dó bầu, thậm chí có nhiều gia đình ở các tỉnh Đông Nam bộ, ở An Giang đốn cây cao su, cây ăn trái để trồng dó bầu, kết quả là các cơ sở cung cấp cây giống được lợi, còn đa số nhà vườn “lãnh đủ”.
Nhưng công bằng mà nói, những năm qua cũng có một số người “trúng trầm” vì chưng cất được tinh dầu hay bán trầm khúc, trầm mảnh, nhiều nhất là trúng “dịch vụ tạo trầm”.
Dó bầu phải trên 10 năm tuổi mới được cấy chất tạo trầm, nhưng nhiều “kỹ thuật viên” đã thuyết phục chủ vườn để khoan, vô hóa chất (mà không biết chất gì) những cây mới 6 – 7 tuổi, nên làm chết đến 70%.
Việt Nam chưa có viện hay trung tâm chọn giống, nghiên cứu kỹ thuật trồng, đặc biệt là tìm ra chất tạo trầm an toàn, hiệu quả cho cây dó bầu, nên mạnh ai nấy làm, vì thế mới có tình trạng khi xuất tinh dầu trầm ra nước ngoài, người ta phát hiện có chất độc dioxin. Cũng vì thế mà năm 2012, trầm hương nguyên liệu dạng khúc hoặc mảnh mỗi kg có giá 15 triệu đồng, nay chỉ còn 2,5 triệu đồng, mỗi lít tinh dầu trầm của các nước có giá hàng chục ngàn USD, của Việt Nam xuất sang một số nước phương Tây và Trung Đông cao nhất bằng nửa giá ấy.
Trước tình hình ấy, Hội Trầm hương Việt Nam kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xác định cây dó bầu là cây trồng công nghiệp, xây dựng Viện Cây dó bầu Việt Nam với nhiệm vụ xác lập bộ giống tốt nhất vì có đến 19 loại dó, trong đó nước ta có 4 loại dó cho trầm, xác định được chất tạo trầm (sạch, hiệu quả cao) và xác định được sản phẩm nào từ cây dó bầu là thế mạnh xuất khẩu.
Theo gợi ý của Hội Trầm hương Việt Nam, qua thực tiễn kinh doanh, xuất khẩu nhang trầm, bột trầm làm nhang, đồ mỹ nghệ từ cây dó đã tạo trầm, trầm mảnh, trầm khúc không mấy hiệu quả, chỉ có tinh dầu trầm, đặc biệt là rượu trầm mới có giá trị gia tăng cao nhất.
Chẳng hạn, từ định hướng chế biến sâu và xây dựng thương hiệu từ trầm hương Việt Nam, LP Group – một doanh nghiệp kinh doanh trầm có trụ sở ở Hà Nội và Dubai (Các tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất) đã thành công khi sản xuất được rượu trầm hương có giá tiền triệu một chai 500ml và đang có khát vọng xây dựng thành quốc tửu.
Phương Hà
Theo DoanhNhanSaiGon