Kỹ thuật tạo trầm từ cây dó bầu rất phức tạp nhưng có một gia đình ở Bình Định đã tạo trầm đạt 100% và ăn nên làm ra nhờ nghề này.
Đó là cơ sở của gia đình anh Lê Minh Khương (28 tuổi) ở khối Thiết Đính Nam, thị trấn Bồng Sơn (H.Hoài Nhơn, Bình Định). Cha mẹ anh Khương vốn làm nghề buôn bán trầm tự nhiên, tuy có thu nhập cao nhưng đầy rủi ro và nguy hiểm.
Cách đây hơn 10 năm, anh Khương học được nghề tạo trầm từ cây dó bầu của một doanh nghiệp ở TP.HCM. Từ đó, gia đình anh mở cơ sở ươm cây dó bầu bán cho nông dân và mua rẫy trồng dó bầu lâu năm của họ để tạo trầm.
Được vài năm thì những người trong gia đình anh đều nắm vững kỹ thuật tạo trầm trên cây dó bầu. Sau đó, người anh cả và anh Khương tách ra mở cơ sở riêng vào năm 2009, người em út là Lê Minh Cương (23 tuổi) ở lại làm chung với cha mẹ. Hiện cả 3 cơ sở này đều sản xuất ổn định.
Theo anh Khương, nghề tạo trầm phải mua cây dó bầu gối đầu nên vốn lớn và thời gian chôn vốn lâu, nếu không nắm được kỹ thuật sẽ bị lỗ nặng. Bản thân anh Khương những năm mới vào nghề cũng từng thất bại trong việc tạo trầm nhiều lần mới rút ra được kinh nghiệm cho riêng mình.
“Nhiều người cứ nghĩ khoan cây dó bầu rồi cho a xít vào sẽ có trầm nhưng thực tế không phải vậy. A xít tạo trầm thì mỗi người có một công thức pha chế riêng nhưng phải là người làm trong nghề nhiều năm mới có thể đúc kết được kinh nghiệm, bí quyết riêng của mình. Nếu không biết, mua các loại a xít trôi nổi trên thị trường thì không những không tạo được trầm mà còn làm chết cây dó bầu”, anh Khương nói.
Hiện bình quân mỗi năm cơ sở của anh Khương ươm và bán gần 50.000 cây dó bầu con với giá từ 3.000 – 5.000 đồng/cây. Ngoài Bình Định, anh Khương còn đi các tỉnh Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Gia Lai, Đồng Nai… để mua lại những rẫy dó bầu khoảng 7 – 8 năm tuổi, giá từ 500.000 – 1 triệu đồng/cây, để tạo trầm.
Nếu nông dân không muốn bán rẫy thì anh Khương sẵn sàng hợp đồng tạo trầm với tỷ lệ ăn chia 30% cho người tạo trầm, 70% cho nông dân trồng dó bầu và giữ rẫy.
Ngoài việc bán trầm nguyên cây tại rẫy, anh Khương còn đem những cây gỗ dó có trầm về cơ sở của mình, cưa ra thành khúc cho nhân công đẽo thành trầm cảnh. Hiện trầm cảnh đang là vật trang trí yêu thích trong nhà của những gia đình giàu có nên cơ sở của anh Khương ngày càng mở rộng sản xuất.
“Việc tạo trầm với tôi không khó, nếu đã làm thì nhất định sẽ có trầm 100%, chỉ sợ gặp gió bão, cây dó bầu ngã đổ, chết. Vấn đề khó khăn nhất hiện nay là giá cả bán trầm trên thị trường không ổn định, lúc lên lúc xuống rất khó lường. Vì vậy, tôi phải chú trọng nghề tạo trầm cảnh để đầu ra và giá cả ổn định hơn”, anh Khương cho biết.
Ngoài việc mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho gia đình, cơ sở của anh Khương còn tạo việc làm thường xuyên cho 12 – 15 thanh niên địa phương với thu nhập từ 120.000 – 180.000 đồng/ngày.
Hoàng Trọng
Theo Thanh Niên