Hơn 30 tuổi, anh Đặng Văn Hùng (thôn 4, xã Tiên Cảnh, Tiên Phước) đã lập nên 2 cơ sở sản xuất trầm hương, tạo nhiều mặt hàng độc đáo mang thương hiệu quê hương.
Các sản phẩm trầm cảnh, trầm hương như tượng trầm, móc khóa, vòng đeo tay, chuỗi hạt, nhang trầm được xuất bán trong và ngoài nước, đem lại nguồn thu nhập khấm khá cho anh Hùng, giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 10 lao động với thu nhập hơn 5 triệu đồng/tháng.
Lập nghiệp từ dó bầu
Đặng Văn Hùng sinh năm 1983 nhưng đã có được 2 cơ ngơi sản xuất các mặt hàng trầm hương Tiên Phước, ở xã Tiên Cảnh và thị trấn Tiên Kỳ. Hùng cho rằng mình luôn khát khao phát triển nghề trầm, làm đẹp quê hương và ổn định cuộc sống gia đình cũng như các lao động địa phương. Hùng bảo cây trầm rất có hấp lực và mong muốn chế tác trầm “made in Tiên Cảnh”.
Trong khi nhiều người khác khăn gói vào rừng sâu tìm trầm thì Hùng kế thừa tâm huyết của cha, trồng cây dó bầu trong vườn nhà. Năm 2007, Hùng bắt đầu tạo trầm trên cây dó bầu và có các sản phẩm đầu tiên, gồm trầm cảnh và trầm hương.
“Cây dó bầu không quá khó trồng. Loại cây này rất đặc biệt ở chỗ không ưa phát triển trên đất màu mỡ mà lại sinh trưởng “ngon” trên đất khô cằn. Vùng đồi dốc đứng, đất khô của Tiên Cảnh nói riêng, Tiên Phước nói chung là thổ nhưỡng phù hợp để nuôi dó bầu làm trầm. Tại sao không tận dụng cơ hội, ở ngay gần mình chứ việc chi phải đi tìm đâu xa” – Hùng chia sẻ.
Với quỹ đất rộng, khoảng 3ha, Hùng cùng người thân trong gia đình miệt mài ươm giống, nhân rộng, phủ khắp 3 nghìn cây dó bầu. Từ lúc trồng cho đến khi khai thác chừng 15 năm, có thể bán mỗi cây được 20 triệu đồng nhưng Hùng không bán vì muốn nâng cao giá trị từ dó bầu.
“Có nhiều cách tạo trầm từ cây dó bầu, mỗi người tận dụng mỗi cách. Mình khoan thân cây dó gọn ghẽ rồi cho thuốc vào đó. Sau khoảng 3 năm thì khai thác, đục đẽo theo hình thù đã tạo tác tự nhiên. Thông thường, mỗi ký trầm có giá bán từ 4 – 6 triệu đồng” – Hùng cho biết thêm.
Do đặc thù sản xuất, kinh doanh, Hùng bôn ba, sống ở rất nhiều nơi, bắc có, nam có, thậm chí ở nước ngoài như Trung Quốc, Thái Lan. Trong câu chuyện, để “đóng dấu” cái gốc Tiên Phước của mình, Hùng cứ đi sâu vào tính riêng có của cây dó bầu. Rằng, loại cây này chỉ có thể phát triển tốt nhất ở vùng đất cỗi cằn của quê hương. “Dó bầu là loại cây có khả năng tái tạo rất cao. Mình trồng dó bầu 1 lần nhưng có thể khai thác được nhiều khi.
Ở mỗi chu kỳ phát triển, cây tái sinh rất nhanh thành cây mới nên khai thác trầm hương thì tuyệt đối không được… tận gốc. Có những cây dó bầu kỳ lạ, càng sinh trưởng trong khắc nghiệt thì lại càng cho trầm hương hảo hạng. Loại trầm hương đó có thể bán được vài chục triệu đồng cho mỗi ký” – Hùng nói thêm.
Làm đẹp quê hương
Để có nguồn nguyên liệu phong phú tạo tác trầm hương, trầm cảnh, Đặng Văn Hùng vừa ươm giống dó bầu trong vườn nhà vừa vào rừng săn dó bầu con và hỏi mua dó bầu của các hộ nông dân cùng huyện chuyên trồng.
Năm 2010, Hùng thành lập Công ty TNHH MTV Trầm hương Hùng Duyên, đặt cơ sở tại thôn 5 xã Tiên Cảnh, chế tác trầm hương, trầm cảnh. Công việc phát triển rất tốt, qua thông tin trên mạng xã hội, nhiều người nước ngoài đã lặn lội sang Việt Nam, đến Tiên Phước hỏi mua hàng trầm hương của anh Hùng. Có thời điểm, mỗi ngày công ty bán được hơn 200 triệu đồng.
Các sản phẩm trầm cảnh được các lao động có tay nghề cao của xã Tiên Cảnh đục đẽo bắt mắt, hình thù rất đẹp, lạ mắt lại mang tính tâm linh, tín ngưỡng cao. Các chuỗi hạt, dây đeo tay từ trầm được các thương gia Trung Quốc ưa chuộng, mua nhiều.
Tính trung bình, với một sản phẩm trầm cảnh, Hùng thu lợi 2 – 3 triệu đồng. Công ty của anh Hùng tạo việc làm cho hơn 10 lao động địa phương, thu nhập mỗi người khoảng 300 nghìn đồng/ngày.
Kinh doanh sản phẩm từ trầm hương và gỗ quý
Qua nhiều năm tích lũy vốn liếng, anh Hùng mở thêm cơ sở sản xuất, cung ứng trầm hương và các đồ gỗ mỹ nghệ ở địa chỉ 52 Huỳnh Thúc Kháng, thị trấn Tiên Kỳ.
“Các sản phẩm từ cây dó bầu và các loại gỗ quý như kiền kiền, trắc, mun, sến… có nguồn gốc từ Tiên Phước rất đạt chất lượng. Việc các nghệ nhân của làng quê dành tâm huyết, tạo tác, chạm trổ thành tác phẩm nghệ thuật cao càng đáng quý hơn. Cách kinh doanh của tôi là tận dụng thế mạnh, làm đẹp cho quê hương, đáp ứng thú tiêu khiển độc đáo của khách hàng trong và ngoài tỉnh” – anh Hùng chia sẻ.
Để có được các mặt hàng cỡ lớn toàn bằng trầm ròng, những người thợ làm trầm cho anh Hùng đã phải vận dụng đến các thao tác đặc trưng như “gán miệng”, “cột mí”, tạo nên những thế cây đẹp, quyến rũ tự nhiên. Công sức của các lao động đã được đền đáp xứng đáng. Khi khách mua sản phẩm trầm cảnh được giá, Hùng đã không tính toán nhiều, trả công lao động rất cao, có người đạt gần 10 triệu đồng/tháng.
“Từ một cây dó bầu thô sơ, qua bàn tay của người thợ Tiên Phước đã trở thành những tác phẩm trầm cảnh có giá trị nghệ thuật cao, đáp ứng thị hiếu ngày càng “dị” của khách hàng. Nghề làm trầm cảnh thông thường qua 4 giai đoạn gồm đẽo, đục, xổ và tỉa trầm. Học tập để thạo việc thì không quá khó nhưng muốn sáng tạo được tác phẩm điêu khắc nghệ thuật thì đòi hỏi người thợ phải có kinh nghiệm lâu năm, tự rèn luyện không ngừng” – anh Hùng nói.
Hiện tại, anh Hùng đang dày công nghiên cứu cách tạo trầm mới để cho ra đời trầm hương loại 1, loại 2, qua đó thay thế dần những loại trầm hương loại 4, loại 5 có giá trị khoảng 3 – 5 triệu đồng/kg.
Lâu năm trồng dó, anh Hùng đúc kết kinh nghiệm rằng phải cần nhiều thời gian, “bắt” được đúng lúc cây dó bầu tương tác đặc biệt với ngoại cảnh, điều kiện tự nhiên. “Trồng dó bầu thì có thể ai cũng làm được. Nhưng quá trình làm thế nào để tạo trầm hương hảo hạng mới khó. Tôi hy vọng sẽ tích lũy được phương pháp đục lỗ, bơm chất riêng, tạo thương hiệu nổi bật cho trầm hương Tiên Phước” – anh Hùng thổ lộ.
NGUYỄN QUANG VIỆT
Theo Báo Quảng Nam