Tự mày mò mở nghề, chỉ mới mươi năm, những thợ săn trầm và những lái trầm ở “chợ trầm” Trung Phước, xã Quế Trung (huyện Nông Sơn, Quảng Nam) đã cho ra loại trầm mỹ nghệ (còn được gọi là trầm cảnh), tạo nên làng nghề mỹ nghệ trầm khá thịnh đạt.
Đến thời điểm này, có thể nói đây là làng mỹ nghệ trầm hương đầu tiên ở nước ta, có sản phẩm bán đến các chợ trầm đầu mối Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẵng, Lạng Sơn… để từ đó được chuyển bán các nơi, kể cả ra nước ngoài.
Từ dăm ba hộ mở xưởng buổi đầu, đến nay Trung Phước có đến trên 20 xưởng trầm mỹ nghệ. Có những xưởng lớn có đến hàng chục thợ làm việc quanh năm chuyên tạo những mặt hàng lớn – có giá từ vài chục triệu đến trăm triệu đồng/sản phẩm. Có những xưởng nhỏ với dăm ba thợ làm những mặt hàng nhỏ, giá thấp.
Ngoài những sản phẩm toàn bằng trầm ròng, phần gỗ trắng của cây dó (dó là tên quen gọi của cây trầm hương; thân, rễ cây dó có màu trắng, chỗ có nhựa kết tụ có màu sẫm gọi là trầm) cũng được làm hàng mỹ nghệ, để có màu và có hương thơm, người ta phải nấu gỗ dó với chất phụ gia, những sản phẩm này được gọi là hàng nấu.
Nhu cầu hàng trầm cảnh cho nội địa dần được phát triển. Ngoài vẻ đẹp tự nhiên, theo giới chơi trầm cảnh (nước ngoài), khối trầm cảnh đặt trong phòng có tác dụng trừ khí độc, lợi cho sức khoẻ con người.
Với nghề mỹ nghệ trầm hương, giá trị của cây dó được nâng cao thêm. Người các xưởng trầm Trung Phước luôn lùng mua những cây dó lớn trong vườn nhà của cư dân vùng trung du Quảng Nam với giá khá cao. Và những người xử lý tạo trầm cho cây dó cũng bận rộn với công việc được cho là mới mẻ này.
HUỲNH VĂN MỸ
Theo Báo Tuổi Trẻ