Làm giàu từ trầm hương

Lối mở cho trầm hương Tiên Phước

Tiên Phước - xứ sở trầm hương ở Quảng Nam

Việc phát triển sản phẩm mới cũng như mở rộng thị trường đang là lối mở tiềm năng cho ngành trầm hương Tiên Phước, vốn rơi cảnh “chợ chiều” trong thời gian qua.

Ảm đạm

Quãng thời gian từ năm 2010 đến nửa đầu năm 2014 là thời kỳ vàng của sản phẩm trầm hương Tiên Phước. Anh Nguyễn Hoàng Duy (xã Tiên Mỹ) nhớ lại: “Thời điểm đó, dó trầm làm ra không kịp bán cho thương lái. Trầm cảnh nhiều khi đục đẽo chưa nên hình thù gì nhưng họ vẫn mua, có bao nhiêu họ mua hết, thậm chí sẵn sàng bỏ tiền đặt cọc để có được hàng.

Trước đó, trầm cũng đã hút kéo theo nhà nhà trồng dó, thậm chí còn “lan” sang các địa phương khác”. Khép lại hoài niệm, anh Duy thở dài cho thực tại khi thị trường của sản phẩm từ trầm đang khá trầm lắng.

Anh Võ Văn Hội (thị trấn Tiên Kỳ) cho biết, nguyên nhân dẫn đến sự ảm đạm này là quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Vào thời điểm “sốt” trầm, là lúc người dân ở quốc gia đông dân nhất thế giới rất chuộng trầm hương. Vì vậy, khi sức tiêu thụ từ thị trường này giảm, khiến cho đầu ra của ngành trầm Tiên Phước như “đứng bánh”, mặc dù vẫn còn thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Thái Lan, Malaysia…

Trước cảnh đơn đặt hàng mới ít dần đi, đơn đặt hàng cũ chưa hoàn tất, mới đây anh Hội đã cho công nhân của xưởng mình tạm thời nghỉ, sau tết “tính tiếp”.

Anh Hội (TT Tiên Kỳ) chia sẻ hướng đi mới cho trầm Tiên Phước

Anh Hội (TT Tiên Kỳ) chia sẻ hướng đi mới cho trầm Tiên Phước. Ảnh: XUÂN THỌ (Báo Quảng Nam)

Trong phòng khách và xưởng, anh Hội chỉ cho chúng tôi thấy những tác phẩm hoàn thành từ trầm cảnh. “Đó đều là những sản phẩm được làm theo đơn đặt hàng. Tuy nhiên, dù hết hạn bàn giao đã lâu nhưng khách hàng vẫn chưa chuyển tiền theo hợp đồng đã ký kết” – anh Hội cho hay.

Có thể thấy, việc “bí” đầu ra khiến trầm cảnh ngày càng rớt giá. Cũng theo anh Hội, những gốc trầm cảnh có đường kính 30 – 40cm, cao khoảng 2m, nếu trước đây có giá ít nhất là 30 triệu đồng trở lên thì bây giờ cao lắm chỉ mười lăm triệu là cùng.

Gỡ khó

Trong thời điểm “vàng son”, những người có tâm với trầm hương Tiên Phước đã nhận ra sự thiếu bền vững khi mạnh ai nấy làm và chỉ dồn lực vào thị trường Trung Quốc. Năm 2013, Hội Thủ công mỹ nghệ trầm hương Tiên Phước được thành lập nhằm tạo ra sự gắn kết, đồng thuận trong khai thác giá trị từ trầm.

Thời điểm này, làng nghề trầm hương với diện tích hơn 15.000m2 được xây dựng tại Cụm công nghiệp Bình Yên (thị trấn Tiên Kỳ), cũng như triển khai dự án Xây dựng vùng nguyên liệu cây dó bầu và sản xuất tinh dầu trầm xuất khẩu quy mô công nghiệp. Thế nhưng, việc đón đầu thị trường này không thành công do sức mua giảm mạnh đột ngột từ Trung Quốc.

Sau đó, chính quyền huyện Tiên Phước nhanh chóng thay đổi vài hướng đi để cho phù hợp hơn. Trong đó, mở rộng các hoạt động quảng bá, triển lãm hội chợ và sản phẩm trầm hương, thủ công mỹ nghệ của Tiên Phước khắp trong và ngoài nước; đồng thời tăng cường mở rộng, xâm nhập vào các thị trường tiềm năng khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Thái Lan, Malaysia…

Nhờ vậy, sau cơn tụt dốc hồi cuối năm 2014 đến nửa đầu năm 2015, trong vài tháng trở lại đây đã có những tín hiệu lạc quan khi tình trạng ùn ứ sản phẩm từ trầm dần dần được giải quyết. Một số cơ sở, hộ sản xuất cho biết còn nhận được thêm những đơn đặt hàng mới, dù không nhiều.

Đặc biệt, thông qua dự án tài trợ 265 triệu đồng của tổ chức JICA (Nhật Bản), Hội Thủ công mỹ nghệ trầm hương Tiên Phước đã trang bị máy nghiền bột dó để làm nguyên liệu cho các sản phẩm từ trầm. Đồng thời JICA còn hướng dẫn kỹ thuật cũng như giúp tìm kiếm thị trường.

Tìm hướng đi mới phát triển làng nghề trầm Tiên Phước

Tìm hướng đi mới cho sự phát triển làng nghề trầm Tiên Phước, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương.

Trong chuyến khảo sát, đánh giá các hạng mục mà JICA đã tài trợ cho Quảng Nam hồi cuối tháng 10 vừa rồi, ông Fumio Kato – trưởng đoàn, đã đánh giá cao lộ trình mà Hội Thủ công mỹ nghệ trầm hương Tiên Phước đang đi, đồng thời hứa sẽ tiếp tục sát cánh với hội.

Nắm bắt cơ hội này, huyện Tiên Phước cũng hỗ trợ 50% giá tiền trên mỗi máy làm nhang trầm cho các hội viên.

Nhờ vậy, số lượng hội viên ban đầu là 23 nay tăng lên 25 người. Ông Hoàng Văn Trưởng – Chủ tịch Hội Thủ công mỹ nghệ trầm hương Tiên Phước, thẳng thắn: “Hiện tại quá trình hoạt động của hội chưa đạt hiệu quả cao một phần vì còn non trẻ. Nhưng trong tương lai gần, diện mạo sẽ khác đi khi chúng tôi cho hoạt động các máy móc đang được trang bị, nhất là máy chiết xuất tinh dầu trầm”.

Theo tính toán của ông Trưởng, trung bình mỗi ngày toàn Tiên Phước bỏ phí khoảng 3 tấn xác tươi dó trầm. Khi máy chiết xuất tinh dầu hoạt động, thì số xác tươi này được dùng để chiết xuất tinh dầu, vừa tránh lãng phí, vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường và hơn hết là thêm khoản thu nhập lớn từ tinh dầu trầm.

Được biết, hiện nay giá tinh dầu trầm loại thường dao động 70 – 80 triệu đồng/lít, tinh dầu trầm nguyên chất 180 – 250 triệu đồng/lít. Ông Trưởng cũng đã tìm được một số thị trường và đối tác tiêu thụ. Hội Thủ công mỹ nghệ trầm hương Tiên Phước đang trang bị 12 máy, trong đó có 2 máy lớn để chiết xuất tinh dầu trầm.

Một số linh kiện cần hoàn thành để đi vào hoạt động đang được chuyển về từ nước ngoài. “Theo nguyên tắc của hội, anh em hội viên góp vốn và cùng chia lợi nhuận theo thỏa thuận. Tuy nhiên, nhiều anh em còn khó khăn về kinh phí nên tôi bỏ ra trước, rồi anh em đóng góp sau” – ông Trưởng cho biết thêm.

XUÂN THỌ

Theo Báo Quảng Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *