Những làng nghề trầm hương

Nghề tạo trầm hương

Chủ xưởng trầm ở làng Dằng Xay, xã Tiên Cảnh, Tiên Phước

Nhiều năm qua, nghề tạo trầm hương từ cây dó bầu phát triển trên địa bàn huyện Tiên Phước, góp phần tạo nguồn nguyên liệu cho các cơ sở trầm hương sản xuất ổn định.

Ông Phan Văn Minh ở thôn 2 (xã Tiên Ngọc, Tiên Phước) hiện đang định cư tại thôn 7a (xã Tiên Cảnh, Tiên Phước) là một trong những người sở hữu số lượng lớn cây dó bầu để nuôi cấy tạo trầm. Năm 16 tuổi ông bắt đầu tiếp cận và tìm hiểu kỹ thuật trồng, chăm sóc cây dó bầu cũng như kỹ thuật khai thác và chế biến tạo nên những sản phẩm trầm hương từ cây dó bầu.

Ông Minh cho biết, ngoài số cây đã trồng trong vườn nhà, năm 2005 ông dốc hết số tiền mà gia đình tích cóp được để mua các vườn cây dó của bà con nông dân ở các địa phương. Đến nay, “gia tài” của ông đã lên đến hơn 2.000 cây dó ở nhiều cấp độ tuổi với tổng giá trị hơn 4 tỷ đồng.

Hàng năm cứ vào tầm tháng 7 đến đầu năm sau, ông huy động một nhóm thanh niên là những người không chỉ có sức khỏe, kinh nghiệm trèo cây mà còn là những người có kiến thức trong việc khoan lỗ, tra hóa chất vào cây để tạo ra trầm.

Theo ông Minh, để tạo trầm bằng phương pháp nhân tạo đạt hiệu quả, thường là chọn những cây có từ 7 năm tuổi trở lên. Sau đó tiến hành khoan lỗ, phụ thuộc vào vị trí gốc hay ngọn mà pha hóa chất tra vào thân cây theo các lỗ khoan để gây vết thương. Cây dó sẽ phản ứng tạo kháng thể bao quanh vết thương, những kháng thể đó chính là trầm.

Độ tuổi của cây dó, vị trí bơm hóa chất, nồng độ hóa chất là những yếu tố quyết định đến khả năng tạo trầm mà không làm cho cây chết. Với cách làm này, một cây dó có đường kính từ 30cm, sau khoảng 18 – 30 tháng (kể từ ngày tra hóa chất) có thể thu hoạch được trầm.

người lao động tra hóa chất tạo trầm đúng quy trình kỹ thuật

Ông Phan Văn Minh (người đứng dưới đất) nhắc nhở những người lao động tra hóa chất đúng quy trình kỹ thuật. Ảnh: N.Đ.N (Báo Quảng Nam)

Ông Trần Văn Toàn, thôn 4 (xã Tiên Cảnh) cho biết, vườn nhà ông không được rộng như các hộ khác nhưng ông đã trồng được hơn 30 cây dó bầu. Tuy nhiên do kinh tế gia đình khó khăn, năm 2010 ông bán toàn bộ số cây dó bầu này cho ông Minh với số tiền 47 triệu đồng.

Sau đó được ông Minh hợp đồng gia đình ông quản lý và chăm sóc, đến thời điểm này toàn bộ số cây đã đến tuổi tra hóa chất để tạo ra trầm hương.

Ông Phan Văn Minh cho biết, cây dó bầu từ khi trồng cho đến khi khoan lỗ, tra hóa chất tạo trầm mất khoảng thời gian khá dài. Khi cây dó bầu đã cho trầm, khai thác đưa về cơ sở sản xuất tổ chức cắt, tỉa, xoi, xỉa để tạo thành những thân trầm cảnh có hình dạng bắt mắt và đa dạng về sản phẩm. Phần dăm của cây dó bầu không có trầm được bán cho các cơ sở sản xuất nhang.

Tại cơ sở sản xuất trầm hương của ông Minh, hàng năm cho ra thị trường được 3 – 4 tạ trầm miếng, hơn 1.000 chiếc vòng đeo tay, 300 – 400 cây trầm cảnh, trầm nghệ thuật, 1 tấn giác xông… với tổng doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm, giải quyết cho 7 người làm việc thường xuyên tại cơ sở và giao khoán sản phẩm cho 10 người làm việc tại nhà với mức thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/năm.

Trong những năm gần đây, nghề làm trầm hương ở Tiên Phước đã phát triển, thúc đẩy mạnh mẽ phong trào trồng cây dó bầu trong dân. Đến thời điểm này, cả huyện có khoảng hơn 1 triệu cây dó bầu được trồng, tương đương gần 1.000ha góp phần tăng giá trị kinh tế trên từng sản phẩm.

Phát huy hiệu quả, các cơ sở sản xuất trầm hương trên địa bàn huyện Tiên Phước ngày càng phát triển, giải quyết cho gần 1.000 lao động có thêm việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống cho người dân.

 NGUYỄN ĐIỆN NGỌC

Báo Quảng Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *