Làm giàu từ trầm hương

Nỗ lực phát triển nghề trầm Tiên Phước

Sản phẩm trầm cảnh làng nghề Tiên Phước, Quảng Nam

Việc phát triển của nghề trầm cũng đã thúc đẩy mạnh mẽ phong trào trồng cây dó bầu trong dân. Hiện tại, ở huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam có khoảng 4 nghìn hộ trồng cây dó bầu, với số lượng hơn 1 triệu cây, tương ứng với diện tích gần 1.000ha.

Đầu xuân, về lại xứ sở sản xuất trầm Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam, đi đến đâu chúng tôi cũng thấy cảnh nhộn nhịp sản xuất trầm cảnh, hương trầm, tinh dầu trầm…

Ông Trương Công Lương, một người theo nghề sản xuất trầm thâm niên, cho hay: Cây dó bầu từ khi trồng cho đến khi có thể khoan lỗ tạo trầm mất thời gian khoảng 10 năm. Khi cây dó bầu đã cho trầm, người mua khai thác đưa về cơ sở sản xuất rồi tổ chức cắt, tỉa, xoi, xỉa để tạo thành những thân trầm cảnh có hình thù bắt mắt. Do vậy, các cơ sở chú trọng khâu tỉa tót, tạo hình để tạo ra nhiều sản phẩm đẹp. Còn phần dăm của cây dó bầu không có trầm được bán cho các cơ sở làm nhang.

“Cái chính ở trầm là tinh dầu; hiện tại giá 1 lít tinh dầu trầm giá 250 triệu đồng. Tuy nhiên, việc chế biến tinh dầu trầm còn khá mới mẻ. Do đó, sự ủng hộ rất lớn về mặt chủ trương, cũng như một số cơ chế, chính sách của UBND huyện Tiên Phước về việc khuyến khích đầu tư phát triển nghề sản xuất trầm hương, tiến tới thành lập làng nghề đã thổi một “làn gió mới” cho xứ sở trầm và mang thu nhập cao trong nhân dân”, ông Lương chia sẻ.

Việc phát triển của nghề trầm cũng đã thúc đẩy mạnh mẽ phong trào trồng cây dó bầu trong dân. Hiện tại, ở huyện Tiên Phước có khoảng 4 nghìn hộ trồng cây dó bầu, với số lượng hơn 1 triệu cây, tương ứng với diện tích gần 1.000ha.

Đây là nguồn nguyên liệu dồi dào cho nghề làm trầm cảnh, trầm hương và sản xuất tinh dầu của địa phương, đồng thời giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động trồng cây dó bầu tại địa phương với mức thu nhập bình quân mỗi tháng từ 4,5 triệu đồng/người.

Chế tác cây dó bầu tại làng nghề Tiên Phước

Chế tác cây dó bầu tại làng nghề Tiên Phước

Ông Dương Văn Thủ, Trưởng phòng Kế hoạch – Đầu tư huyện Tiên Phước cho biết thêm: Trầm Tiên Phước không chỉ có mặt trên thị trường nội địa mà còn được đưa ra nước ngoài như Trung Quốc, Đài Loan… Nhiều doanh nghiệp đã phát huy tối đa lợi thế của công nghệ thông tin, lập website để quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Và, để “giúp sức” cho doanh nghiệp, nông dân, từ tháng 5/2013, UBND huyện Tiên Phước đã đứng ra thành lập Hội Thủ công mỹ nghệ trầm hương, với sự tham gia tự nguyện của 25 hội viên là các doanh nghiệp, cơ sở trầm hương trên địa bàn huyện.

Sự ra đời của hội này đã tạo sự liên kết, hỗ trợ nhau giữa các hội viên về kinh tế – kỹ thuật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tạo việc làm và tăng thu nhập, góp phần xây dựng và phát triển sản phẩm đặc trưng trầm hương Tiên Phước.

“Ngoài ra, UBND huyện Tiên Phước cũng đã kêu gọi tổ chức JICA Nhật Bản đầu tư xây dựng nhà máy tạo nguyên liệu trầm hương từ cây dó bầu tại cụm công nghiệp Bình Yên, tư vấn về thiết kế mẫu mã, xây dựng nhãn hiệu, phân phối sản phẩm, tổ chức bán hàng, tiếp cận thị trường…

Bên cạnh đó, Công ty CP Thế giới xanh TP Hồ Chí Minh đang xây dựng dự án vùng nguyên liệu sản xuất cây dó bầu và sản xuất tinh dầu trầm quy mô công nghiệp tại Tiên Phước. Các dự án này đi vào hoạt động sẽ giúp tận dụng tối đa sản phẩm, tăng giá trị sử dụng của cây dó bầu”, ông Thủ khẳng định.

An Khang – Nguyễn Hưng

Theo CAND

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *