Việc kinh doanh các sản phẩm trầm hương ngày càng phát triển nhờ lượng du khách Trung Quốc đến Khánh Hòa ngày càng tăng. Vì thế, nghề chế tác trầm hương ở thôn Phú Hội 1, xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh sau một thời gian trầm lắng, giờ đang bừng lên sức sống mới…
Rộn rã làng nghề
Một ngày đầu tháng 7, chúng tôi tìm về thôn Phú Hội 1 để tìm hiểu về nghề chế tác trầm hương. Dọc theo hai bên đường vào thôn, không khó để nhận ra nhiều gia đình làm nghề chế tác trầm hương. Nhà ít thì 4 – 5 nhân công, nhà nhiều lên đến 20 – 30 người. Dăm trầm được chất thành đống chờ bán cho những người làm nhang.
Ghé chân vào nhà anh Phạm Hữu Nghĩa (33 tuổi), ngay giữa sân nhà, 3 người thợ đang ghép một gốc trầm mỹ nghệ khá lớn.
Thân cây trầm cao quá đầu người, vòng tay một người ôm không xuể. Vừa ngồi xoi trầm, anh Nghĩa bộc bạch: “Cây trầm này được làm cả tháng nay, bởi bây giờ trầm tự nhiên rất hiếm, nên muốn có một khúc trầm cảnh đẹp phải ghép từ các miếng nhỏ”.
Theo anh Nghĩa, ở Phú Hội 1 gần như nhà nào cũng có người làm trầm, không làm chủ thì cũng làm công. Gia đình anh làm ăn nhỏ, nên ngoài các thành viên trong gia đình thường chỉ thuê thêm 3 – 4 người thợ. Hiện tại, giá nhân công xoi trầm khoảng từ 150 đến 200.000 đồng/ngày.
Ngồi nhâm nhi tách trà, ông Ba Đơn (ba anh Nghĩa) góp chuyện: “Trước đây, người dân vùng này chủ yếu đi địu, khi trầm tự nhiên khan hiếm họ chuyển sang xoi và chế tác trầm.
Tuy tồn tại một thời gian dài, nhưng làng nghề cũng có lúc thăng, lúc trầm. Mấy năm trước, những hộ làm trầm cảnh tưởng như phải bỏ nghề, bởi thị trường ế ẩm.
Nhưng 3 năm trở lại đây, nhờ lượng khách Trung Quốc đông, nghề làm trầm hương ăn nên làm ra. Nhà nhà làm trầm, người người sống được với trầm. Kinh tế các hộ gia đình được cải thiện đáng kể, mở ra một triển vọng mới cho làng trầm Phú Hội 1”.
Tại nhà anh Trung, một người chuyên làm nghề xoi trầm, khi chúng tôi đến, anh Trung đang cùng mấy nhân công “phá dó” (vạt phần gỗ bên ngoài cây dó bầu), phía trong mấy phụ nữ đang xoi trầm.
Dù đã nghe kể về nghề xoi trầm, nhưng phải đến đây chúng tôi mới cảm nhận được sự tỉ mỉ của nghề này. Càng vào sát mạch trầm, người thợ càng phải nhẹ tay, để không phạm vào trầm. Với những mạch trầm uốn lượn như trôn ốc, phải tỉ mẩn dùng cây móc nhỏ nạo từng chút gỗ nhỏ.
Anh Trung cho biết, trước đây, người làm trầm ở Vạn Thắng chỉ biết xoi trầm tự nhiên. Bây giờ, trầm tự nhiên rất hiếm, dân đi địu phần lớn về tay không nên từ vài năm nay người làm trầm ở Vạn Thắng phải mua cây dó trồng về để làm.
Mấy năm trước, những chủ lớn ở làng nghề phải ra Hà Tĩnh để mua cây dó về cho cả làng cùng làm. Nhưng thời gian gần đây, các đầu nậu ở ngoài đó tự mua cây rồi mang vào tận nơi để bán cho các hộ làm trầm.
Việc có nguồn nguyên liệu nhân tạo đã tạo việc làm cho người dân làng trầm Phú Hội 1 quanh năm. “Cây nào nhiều trầm, chúng tôi để nguyên làm trầm cảnh; còn với những cây ít trầm thì cắt khúc ra để làm trầm miếng, rồi bán cho người làm trầm mỹ nghệ để ghép thành cây lớn hoặc cho các cửa hàng bán trầm để xông…”, anh Trung nói.
Đa dạng sản phẩm
Nghề xoi trầm tồn tại ở xã Vạn Thắng hàng trăm năm nay, thứ hương thơm mê hoặc lòng người đã quyện chặt vào người dân làng trầm. Chỉ với mấy cái dũm (công cụ để xoi trầm) với hòn đá mài, những người thợ xuất thân từ nghề đi địu tỉ mẩn xoi từng thớ gỗ, cho đến khi mạch trầm hiện rõ như vân mây.
Từ chỗ chỉ biết đi địu, xoi trầm, giờ đây người làng trầm đã biết tự mình vượt ra khỏi cách làm truyền thống để tiếp cận với những sản phẩm theo nhu cầu thị trường như: tháp trầm, tượng Phật, chuỗi hạt trang sức…
Khi chúng tôi đến, anh Trần Phê (người đã gắn bó với nghề 40 năm) đang ngồi nắn nót, xoi tỉa lại khối trầm tự nhiên có giá cả trăm triệu đồng. Bên ngoài những người thợ làm công đang đánh bóng hạt trầm, xâu chuỗi hạt.
Hỏi chuyện, anh Phê cho hay: “Bao đời nay chỉ biết xoi trầm miếng bán cho các thương lái ở TP. Hồ Chí Minh. Mấy năm trở lại đây, khách Trung Quốc sang nhiều, nhu cầu mua trầm hương để trưng bày, làm đồ trang sức tăng cao, vì vậy người làm trầm đã tự động chuyển hướng làm ra các sản phẩm mới phục vụ thị trường”.
Khách hàng mấy năm trở lại đây rất đa dạng, từ khách Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, gần đây còn có thêm người Việt. Nhờ khách du lịch, làng trầm Phú Hội ăn nên làm ra. “Sản phẩm làm ra bao nhiêu bán hết bấy nhiêu.
Nhiều đoàn du khách tìm đến tận nơi để mua hàng. Thậm chí họ còn đặt hàng sản xuất theo sở thích. Gặp đoàn khách mê trầm, có gia đình bán được cả mấy trăm triệu đồng tiền hàng là bình thường”, anh Phê kể.
Giá các sản phẩm trầm hương cũng đa dạng, đáp ứng nhiều đối tượng khách hàng khác nhau. Ở dòng trang sức, có tràng hạt, vòng tay, mặt dây chuyền… mỗi sản phẩm có giá từ vài trăm ngàn cho tới hàng triệu đồng. Còn những du khách có nhu cầu sử dụng trầm mang màu sắc tâm linh thì có sẵn trầm khối phong thủy, hương trầm không tăm hoặc tháp xông trầm mỹ nghệ. Dòng sản phẩm này có giá thành khá cao, riêng trầm tự nhiên có giá vài trăm triệu đồng là chuyện bình thường.
Theo những người có kinh nghiệm ở làng trầm Phú Hội 1, khách Trung Quốc thường mua các sản phẩm trầm làm đồ trang sức, hoặc trầm cảnh loại nhỏ vì trầm lớn khó đưa đi xa, họ cũng khá dễ tính trong việc chọn hàng. Riêng khách Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc lại chuộng trầm tự nhiên và có yêu cầu rất cao về chất lượng. Gặp mặt hàng đẹp họ sẵn sàng mua với giá cao.
“Khách Nhật thường chọn loại hàng có chất lượng cao. Nhiều khách hàng sẵn sàng bỏ ra 100 triệu đồng để mua 1kg nhang không tăm về thưởng thức. Tuy không được ai định hướng, nhưng trước xu thế thị trường như vậy, chúng tôi phải đa dạng hóa sản phẩm để thích nghi với nhiều đối tượng khách hàng”, bà Hồ Thị Thu (thôn Phú Hội 2 làm nghề chế tác trầm) cho hay.
Ông Trương Văn Long – Nguyên Chủ tịch Hội Nông dân xã Vạn Thắng cho biết: Làng nghề xoi trầm hương Phú Hội 1 được UBND tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống vào cuối năm 2016. Hiện nay, làng nghề có 36 hộ tham gia, nhưng trên thực tế có khoảng trên 100 hộ gia đình tổ chức kinh doanh, chế tác trầm. Chúng tôi dự định sẽ xây dựng thương hiệu trầm hương Phú Hội để nhiều khách hàng trong và ngoài nước biết đến.
Rời làng trầm Phú Hội 1 khi chiều vừa ngã bóng, trong phảng phất mùi hương dịu nhẹ, những mong ước của người dân làng trầm về việc phát triển thương hiệu trầm hương Phú Hội hiển hiện. Hy vọng một ngày không xa danh tiếng của trầm hương Phú Hội sẽ vươn xa hơn nữa.
XUÂN THÀNH – ĐÌNH LÂM
Theo Báo Khánh Hòa