Sau một thời gian dài ngưng trệ, hai năm trở lại đây, làng trầm hương mỹ nghệ Trung Phước (xã Quế Trung, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam), đang trên đà hồi phục mạnh mẽ nhờ sự thay đổi tư duy của người dân xưa nay vốn quen với mô hình làm ăn manh mún, nhỏ lẻ.
Mở rộng thị trường
Trước đây, sản phẩm mỹ nghệ trầm hương ở Trung Phước chỉ ở dạng chế biến thô, phần lớn tiêu thụ trong nước. Nhưng giờ đây nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh nghề mỹ nghệ trầm hương Trung Phước đầu tư bài bản hơn.
Anh Trương Văn Bê, nghệ nhân của làng sang Trung Quốc tìm bạn hàng. Hàng trăm cửa hàng thủ công mỹ nghệ trên đất Trung Quốc in dấu người đàn ông này. Anh Bê kể: “Việc trước tiên là tôi đem trầm của làng mình vào đốt cho họ ngửi mùi thơm. Khi biết đây là trầm hương Việt Nam thứ thiệt, họ mua liền và liên tiếp có đơn đặt hàng”.
Gần hai năm qua, anh Bê không biết mệt mỏi trong việc “thuyết trình” cho bạn hàng Trung Quốc sản phẩm và các khâu sản xuất trầm.
Sau chuyến bán dạo thành công của anh, nhiều người trong vùng theo chân anh khám phá các thị trường mới. Cơ sở của anh Huỳnh Văn Thành, làng Trung Phước đang chuẩn bị chuyến hàng xuất đi Côn Minh (Trung Quốc). Theo dân làng, bây giờ việc bán hàng qua Trung Quốc không còn khó khăn về ngôn ngữ nữa. “Nhiều sinh viên của Việt Nam du học bên đó rất chịu khó giúp đỡ chúng tôi. Họ đi với chúng tôi cả ngày để làm phiên dịch”, anh Bê cho biết.
Sức sống mới cho làng nghề truyền thống
Hiện làng mỹ nghệ trầm hương Trung Phước có trên 10 cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh đã tìm được khách hàng từ các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… Tháng nào nơi đây cũng có vài chuyến hàng xuất sang nhiều nước. Nhiều cơ sở, doanh nghiệp đã liên kết với nhau làm ăn.
Ông Nguyễn Văn Hòa, Trưởng phòng Công Thương huyện Nông Sơn cho biết, làng nghề ở Trung Phước có sức sống hơn mấy chục năm, nhưng hưng thịnh nhất là vào năm gần đây khi người dân tìm được đối tác làm ăn. Mỗi năm làng nghề giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương. Nhiều chủ cơ sở đã khấm khá nhờ tinh chế thành công dầu từ cây dó bầu.
Ở làng Trung Phước có doanh nghiệp kiếm được tiền tỷ từ các sản phẩm mỹ nghệ trầm hương tại những hội chợ quốc tế Côn Minh (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Hồng Kông năm ngoái.
Trước sức hấp dẫn của làng nghề, người dân Trung Phước đã tự trồng cây dó bầu phục vụ khâu tinh chế. Cây dó bầu trồng từ 5-8 năm, sau đó có thể bơm thuốc kích thích tạo trầm. Dó bầu miền Trung được xác định có tỷ lệ tích tụ trầm đạt khá cao (trên 80%). Trước kia, nhiều cơ sở tại Trung Phước phải đến mua cây dó bầu ở các vùng Tiên Phước, Trà My, Núi Thành…
Một lãnh đạo huyện Nông Sơn cho biết, làng nghề thủ công mỹ nghệ Trung Phước vươn ra thị trường quốc tế nhờ nỗ lực từ phía người dân trong khâu quảng bá, tiếp thị sản phẩm. Có thể nói, người dân nơi đây đã vươn ra được một “sân chơi” lớn để đáp ứng quy luật kinh tế thị trường.
PHÚC ĐẠT
Theo Tiền Phong Online