Mới vào mùa nhưng một số xưởng trầm ở Tiên Phước đã tất bật với công việc để kịp ra sản phẩm cho khách hàng. Đây chính là những xưởng trầm chuyên cung ứng trầm tự nhiên thay vì trầm nhân tạo – tức là trầm có được qua xử lý cây dó.
Có được nguồn trầm hương tự nhiên với số lượng lớn từ những cây dó tự mọc hay được trồng ở vườn nhà quả là một chuyện lạ, đây là quà tặng quý giá mà thiên nhiên ban cho người dân xã Tiên Cảnh (Tiên Phước) mấy năm nay.
Nằm nơi một thung lũng hẹp với nhiều đồi núi, 2 làng Eo Bò, Dằng Xay thuộc thôn 2 xã Tiên Cảnh là chiếc nôi của vùng dó có trầm tự nhiên mới xuất hiện này.
Đây là vùng có nhiều cây dó tự mọc ở vườn nhà của cư dân từ lâu đời, trở nên là nguồn cung ứng hạt dó để cư dân ươm trồng và bán ra nhiều nơi trong nước khi việc trồng dó để tạo trầm phổ biến từ hơn hai chục năm trước.
Sùng đục cây dó
Phát hiện trầm tự nhiên có được từ cây dó trồng ở vùng Eo Bò, Dằng Xay là những thương lái trầm ở Tiên Phước. “Năm 2015 tui mua cây dó chưa được xử lý (tạo trầm) ở Eo Bò rồi khai thác ngay. Đúng như suy đoán, cây dó không xử lý mà vẫn có trầm, lại có khá nhiều” – anh Phạm Viết Hiển ở xã Tiên An (kề sát làng Eo Bò) kể lại.
Kinh nghiệm buôn trầm lâu năm đã cho người buôn trầm trẻ này nhận xét đúng khi anh cho rằng, những vết đục lỗ chỗ ở cây dó này từ một loại côn trùng nào đó có thể là tác nhân tạo trầm tự nhiên cho cây dó.
“Khi khai thác, chẻ từng đoạn cây dó ra, tui thấy bên trong chi chít những lổ rỗng như những lổ khoan, lổ đục. Còn trầm thì kết ở khắp những lổ đục đó. Đem trầm đốt lên thì thấy có mùi thơm ngọt của trầm tự nhiên, khác với mùi của trầm từ cây dó được xử lý…” – anh Hiển nói.
Điều lý thú khiến anh Hiển muốn la toáng lên ấy là khi chẻ những đoạn dó đó ra, anh bắt gặp những con sùng (từ địa phương, chỉ chung loại côn trùng chuyên đục thân cây, đục đọt non để ăn – NV) màu vàng nhạt, to bằng đầu ngón tay út.
“Đây chính là loại côn trùng đục vào thân cây dó để ăn, chúng giúp cây dó có được trầm từ những lổ đục của chúng” – anh Hiển giải thích.
Chủ xưởng Nguyễn Thanh Điền ở thị trấn Tiên Kỳ cũng trong số những lái trầm trẻ phát hiện “kho” trầm tự nhiên ở làng Dằng Xay. Anh Điền cho biết: “Mừng nhất là qua khai thác, lần lần tụi tui đã gặp được những cây dó sùng đục cho ra loại trầm tốt hơn, lượng trầm cũng nhiều hơn”. Anh Điền vừa thu được 2 đoạn trầm loại tốc bông, một đoạn dài hơn 2m, nặng khoảng 20kg.
“Trầm tự nhiên có 3 loại chính là trầm kỳ nam, trầm cục/miếng, trầm tốc. Tốc bông là loại tốc có da ngoài đầy những gai/mụt sần sùi giống như da trái khổ qua. Đây là loại tốc hàng đầu, ít có, rất được thị trường chuộng, nhất là để làm hàng trầm mỹ nghệ, trầm trang sức” – Điền nói khi dựng đứng đoạn trầm tốc bông vốn không có nhiều ở trầm tự nhiên ở rừng.
Cũng như các lái trầm chuyên thu mua trầm tự nhiên ở Tiên Cảnh, ngoài các loại trầm tốc, anh Điền cũng thu được một ít trầm miếng, trầm cục từ cây dó sùng đục.
Nguồn của quý “‘trời cho”
Những chủ vườn dó sùng đục ở Tiên Cảnh ai cũng tự tin về nguồn lợi có được một cách chắc chắn từ vườn dó của mình.
Ông Võ Văn Sơn – chủ vườn dó 700 cây ở Dằng Xay kể: “Năm 2017 tui bán cây dó có vanh (chu vi) 1,4m cho một chủ buôn trầm ở Tiên Kỳ được 42 triệu đồng. Hồi đó tui đòi giá cao vì đây là cây dó lớn chứ không biết nó có nhiều trầm vì có sùng đục. Chừ biết ra thì phải bán 60 triệu đồng mới khỏi hớ giá”.
Cũng như nhiều chủ vườn dó trong vùng, ông Sơn chỉ mới biết được dó sùng có trầm tự nhiên và bán được giá cao chỉ từ 2 năm lại đây.
Các chủ vườn dó ở đây cho biết hiện tượng sùng đục cây dó ở Dằng Xay, Eo Bò chỉ mới được phát hiện từ giữa năm 2015. “Loại sùng này sinh sôi rất nhanh, đến nay hơn 90% số vườn dó ở Dằng Xay, Eo Bò đều có sùng đục” – ông Sơn nói, rồi chỉ vào những lổ sùng đục chi chít trên thân dó và những vệt bột dó rơi xuống trắng gốc từ những “mũi đục” lặng lẽ của sùng.
Lớp người lớn tuổi ở Dằng Xay, Eo Bò có người từng theo nghề săn trầm rừng lâu năm. Khi được các lái trầm tìm mua những cây dó có sùng đục ở quê mình với giá cao từ hơn một năm nay, họ mới chợt nhớ lại việc đã săn được những đoạn trầm tốc từ những cây dó có những lổ rỗng, có kiến ở bên trong, được giới săn trầm quen gọi là tốc kiến.
Loại sùng đục thân cây dó xuất hiện ở Dằng Xay, Eo Bò sinh sản nhanh đã khiến các chủ vườn dó ở đây vô cùng phấn khởi vì chúng giúp cây dó có được trầm tự nhiên với số lượng lớn. Bởi vậy từ năm 2017 những chủ vườn ở đây đã không cần kêu thợ xử lý (tạo trầm) cho dó nữa.
“Hai năm nay tui “thất nghiệp” vì không ai ở đây mướn xử lý dó nữa. Nhưng tui với đứa con trai lớn lại mở xưởng làm trầm tại nhà. Ngoài khai thác dó sùng của nhà mình, tui còn mua dó sùng trong làng về làm hàng bán đi các nơi” – ông Võ Văn Sơn nói.
Điều lý thú với người chủ vườn tuổi 50 từng xuyên núi thẳm rừng sâu săn trầm thời trước này, là nay ông được khai thác trầm tự nhiên ngay tại vườn mình, làng mình.
“Mình có được ngày công giá cao, được đồng lời khấm khá, còn người có dó sùng thì bán được dó giá cao gấp mấy lần dó xử lý. Nói dân mình bỗng dưng được nguồn trầm “trời cho” là không sai” – ông Sơn nói thêm.
Ông cho biết vừa lấy ra được một đoạn trầm tốc bông dài 2m từ một cây dó sùng có chu vi ở gốc 0,8m, được ông mua với giá 20 triệu đồng của một người trong làng.
Những thương lái chuyên mua trầm tự nhiên của vùng dó sùng Tiên Cảnh ai cũng kỳ vọng ở sự “lên hạng” của trầm khi để cây dó sùng đục đến 5 – 6 năm trở lên rồi mới khai thác.
Ông Phan Quang Xuyến – một lái trầm lớn tuổi và là một thợ săn trầm lâu năm nhận định: “Mấy cây dó sùng được tụi tui khai thác từ 2 năm nay đều chỉ mới được sùng đục chừng 3 năm. Nếu để lâu hơn mới khai thác thì chắc sẽ có các loại trầm tốc, trầm cục tốt hơn”.
Và ngay cả những chủ vườn dó ở đây cũng cố nuôi cho cây dó sùng đục của mình thêm tuổi rồi mới bán. Chủ vườn Nguyễn Dưỡng ở kề làng Eo Bò giải thích: “Cây dó sùng đục vẫn lớn mỗi năm. Mà cây dó càng lớn thì có giá cao hơn. Thương lái họ cũng muốn mua cây dó sùng to lớn hơn, lâu năm hơn”.
Ông Dưỡng vừa bán 2 cây dó sùng được ông trồng chỉ mới 12 năm với giá 25 triệu đồng, gấp 10 lần giá cây dó xử lý.
Mong hợp tác của nhà khoa học
Có mặt tại xưởng trầm của anh Nguyễn Thanh Điền, một lái trầm tên Xô đến từ tỉnh Khánh Hòa cho biết, ông chưa thấy ở đâu có những vùng dó sùng đục hàng loạt như ở Tiên Cảnh.
Theo người buôn trầm từng trải này, trầm – chủ yếu là trầm tốc có được do côn trùng đục cây dó tạo nên thì ở đâu cũng có nhưng hết sức thưa thớt, chứ không có nhiều như ở Tiên Cảnh.
Việc xuất hiện vùng dó trầm tự nhiên có chất lượng ở Tiên Cảnh, nhất là loại trầm tốc bông độc đáo với kích cỡ dài hàng mét đã thu hút giới buôn trầm các nơi tìm đến từ 2 năm nay. “Ở Khánh Hòa trầm tốc tự nhiên chỉ kết thưa thớt ở cây dó trên rừng thời trước. Còn ở những vườn dó trồng có tuổi từ 25 năm trở xuống thì đến nay ở Khánh Hòa vẫn không có” – ông Xô nói.
Làm thế nào để nhân rộng nguồn dó trầm tự nhiên có được ở các làng Dằng Xay, Eo Bò và một ít làng lân cận là điều mà nhiều người trồng dó ở Tiên Cảnh đang mong đợi.
Ông Trần Văn Điệp – Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Cảnh cho biết: “Nhiều người ở Tiên Cảnh đều nói con sùng dó sinh sản ngày càng nhiều trong 2 năm lại đây ở vùng Dằng Xay, Eo Bò. Chắc là môi trường tự nhiên của những vườn dó ở đây thuận hợp cho sự phát triển của chúng”.
Theo ông Điệp, các ngành chức năng cũng như người dân ở địa phương đều mong các nhà khoa học tìm cách cho nhân giống loại sùng có ích này để đưa chúng vào khắp những vườn dó tại địa phương như một cách tạo nguồn trầm tự nhiên thay cho trầm nhân tạo.
“Nếu làm được thì đây là công trình khoa học đem lại mối lợi lớn cho người trồng dó, cho cả vùng kinh tế nông nghiệp, nông thôn” – ông Điệp bày tỏ.
Hoàng Minh
Theo Người Quảng Phía Nam / Báo Quảng Nam