Việc tràn lan các loại hương tẩm hóa chất đã và đang khiến việc sử dụng hương ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.
Thời điểm này, cả nước đang bước vào mùa lễ hội với hàng nghìn các hoạt động diễn ra như cúng bái, hành hương. Việc lạm dụng đốt quá nhiều hương không chỉ gây lãng phí mà còn tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người sử dụng.
Vậy những độc tố có trong hương là gì, nó có ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe con người? Người tiêu dùng có biết về hương nhang hóa chất?
https://youtu.be/4HDk0isFbJQ
Nén hương (hay còn gọi là nhang) từ lâu đã đi vào đời sống văn hóa, tín ngưỡng của người Việt Nam như một nét đẹp truyền thống – gần gũi và thiêng liêng. Dù không mê tín dị đoan nhưng trong tâm thức mọi người đều tin rằng nén hương khi mà đốt lên cũng như một nhịp cầu vô hình gắn kết hai thế giới hữu hình và vô hình với nhau.
Vào ngày lễ tết ngửi thấy khói nhang người tha hương lại thấy nhớ quê nhà da diết. Ấy vậy mà giờ đây lại có nhiều điều phía sau quá trình sản xuất que hương quen thuộc còn ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng mà không phải ai cũng biết.
Tiêu điểm ngày hôm nay sẽ cùng quý vị tìm hiểu về những mặt trái này.
Thời điểm này, cả nước đang bước vào mùa lễ hội với hàng ngàn các hoạt động diễn ra như cúng bái, hành hương; và chắc trên tay của nhiều người không thể thiếu là những nén nhang tỏ lòng thành kính.
Bên cạnh nét đẹp văn hóa tâm linh thì nhiều người đã lạm dụng đốt quá nhiều nhang. Điều này không chỉ gây lãng phí mà còn dấy lên mối lo ngại về sức khỏe của chính người dân.
Lạm dụng việc đốt hương nhang trong mùa lễ hội
Dòng người chen chúc hướng về chánh điện trong chùa, trên tay ai nấy đều cầm cả bó nhang đã đốt thi nhau cắm vào các bệ thờ. Các khu thờ tự cũng nghi ngút khói.
Ước tính trung bình nếu mỗi người đến chùa mua một bó nhang giá 5000 đồng thì với 1 triệu lượt người vào viếng chùa Bà (Châu Đốc, An Giang) trong mùa lễ hội, số tiền đốt nhang là khoảng 5 tỷ đồng.
Việc quá tải khói nhang cũng gây nỗi lo cho sức khỏe của người hành hương.
“Thường các trường hợp bất tỉnh cần tới sự chăm sóc của lực lượng y tế năm ngoái là gần 20 trường hợp.” – Ông Trần Vĩnh An – Đại diện Ban quản lý Lễ hội Chùa Bà cho hay.
Nhà chùa thì luôn kêu gọi người dân chỉ thắp 1 – 3 cây nhang là tỏ đủ lòng thành kính nhưng dòng người vẫn cứ đổ vào chánh điện với những bó nhang lớn, nghi ngút trên tay.
Nhu cầu tiêu thụ hương trên thị trường thì quá lớn nên hoàn toàn dễ hiểu khi có hàng trăm nhãn hiệu hương nhang đa dạng với nhiều mùi thơm khác nhau.
Thế nhưng có một thực tế, vì sản phẩm đã quá quen thuộc ở mức như gạo với muối mà người tiêu dùng không để ý đến phần lớn hương nhang này là không rõ nguồn gốc xuất xứ và tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe. Lý do nằm ở các loại hóa chất được ngâm tẩm trong quá trình làm hương và người tiêu dùng liệu có quan tâm đến vấn đề này?
Hãy cùng phóng viên Chuyển động 24h làm một cuộc khảo sát nhỏ. Dưới đây là ý kiến của một số người dân:
“Hương đậu thì sẽ có lộc, thường thì cũng hay mua hương đậu”.
“Người ta nói rằng là, hương nó mà cong thì sẽ có nhiều lộc”.
“Trước đây thì tôi cũng quan niệm như chị vừa rồi nói, nhưng giờ thì tôi nghĩ khác rồi”.
“Thắp thì theo tâm chứ em cũng không quan niệm là phải tàn hay phải cuốn hay như thế nào cả”.
“Tôi cũng học hóa, biết là khi mà đốt hương lên như thế thì cái mùi càng thơm thì lại càng độc”.
“Đi chợ thì mua thôi, hoặc là các cái hàng ở ven đường ý. Nghĩ là nếu mà thắp ít thì cũng không đáng lo ngại lắm”.
Như chúng ta đã thấy thì phần lớn người tiêu dùng đều không biết hoặc không quan tâm đến thành phần tạo nên một cây hương như thế nào. Và theo quan niệm truyền thống của nhiều người dân thì hương có tàn càng cong, càng thơm thì lại càng nhiều lộc.
Thế nhưng, đâu là cách của các cơ sở sản xuất tạo nên những nén hương đậu tàn? Phóng viên VTV24 đã thâm nhập một cơ sở sản xuất hương nhang tại Hưng Yên.
Thâm nhập một cơ sở làm hương nhang tẩm hóa chất
Làng Cao Thôn (xã Bảo Khê, Tp. Hưng Yên) mỗi ngày xuất xưởng hàng chục tấn hương đi khắp cả nước.
Khi được hỏi về vấn đề nhang hương hóa chất, người làm hương trong làng thì luôn khẳng định: “đều nguyên liệu từ thảo mộc mà ra hết anh ạ”. Anh Ứng Văn Thành – người làng cho biết: “Cuốn tàn thì làng em là làng truyền thống thì cũng không sử dụng cái chất liệu đấy”.
Thế nhưng, sự thật lại hoàn toàn trái ngược. Phía sau những khu nhà xưởng, can nhựa xếp chồng lên nhau. Tất cả đều chứa Axit Photphoric (H3PO4) nồng độ 85% kèm theo dấu cảnh báo gây bỏng và ăn mòn. Số axit này được pha chế với nước và ngâm cùng tăm hương trong bể, sau đó tăm hương sẽ được phơi khô.
Còn bột hương cũng được tạo nên từ mùn cưa trộn với bột Canxi Cacbonat (CaCO3 – bột đá vôi).
Khi phóng viên tiến hành hỏi người thợ làm nhang về túi đựng hợp chất đó thì có câu trả lời: “Cái chất ấy là nó bó tàn, cuộn tàn đấy. Không có cái bột trắng kia thì là không thể cuốn tròn được” – Anh Nguyễn Hải Quân – thợ làng Cao Thôn cho hay.
Bột làm hương tiếp tục được trộn với Potassium Nitrate – một loại hóa chất bắt cháy có hàm lượng lên đến 99.8%.
Trong khu nhà xưởng lúc nào cũng nồng nặc mùi hóa chất, và những cỗ máy cứ đùn ép tạo ra hàng trăm cây hương mỗi phút để bán ra thị trường.
Xin được nhấn mạnh rằng đây chỉ là khảo sát của phóng viên VTV tại một cơ sở tại làng Cao Thôn, không hề có ý quy chụp cho quy trình sản xuất chung của cả làng – ảnh hưởng đến uy tín của làng nghề. Chúng tôi chỉ muốn nói rằng đã tồn tại hiện tượng ngâm hương trong hóa chất và rất mong cơ quan chức năng và chính quyền địa phương sớm vào cuộc và kiểm tra trên diện rộng.
Hình ảnh các loại hóa chất được sử dụng để làm hương có lẽ đã khiến cho quý vị khán giả bất ngờ. Để có thể hiểu rõ hơn tác động của hóa chất tạo ra những cây hương có tàn uốn cong mà chúng ta vẫn thường thấy, tôi muốn mời quý vị cùng xem đoạn thực nghiệm sau đây. Và để đảm bảo an toàn, tôi đã ghi hình đoạn thực nghiệm này trước khi lên sóng ngày hôm nay.
Chúng ta sẽ thực hiện một thí nghiệm nhỏ với Axit Photphoric – loại hóa chất mà chúng ta vừa thấy ở các xưởng làm hương, và bên tay phải là 2 cây tăm hương. Chúng ta sẽ nhúng 1 tăm hương vào axit, còn một tăm hương sẽ để nguyên.
Sau đó tiến hành đốt cây tăm hương không được tẩm gì. Que tăm sau khi cháy hết rụng tro tàn. Còn với cây tăm được tẩm axit, sau khi tiến hành đốt trên phần ngọn rất nhiều lần nhưng không thể nào có thể cháy được hết, hoặc cháy rồi nhưng mà tàn hương vẫn còn lại nguyên cọng.
Sau thí nghiệm, cây tăm hương không tẩm axit thì cháy rụi và không còn tàn hương; còn tăm hương đã được nhúng Axit Photphoric thì ta có thể thấy vẫn còn nguyên chiếc tăm màu đen dù đã cháy hết.
Chỉ với giá 40.000 đồng/lít Axit Photphoric, sau khi pha với 12 lít nước đã có thể tạo nên một thứ dung dịch đủ để ngâm tẩm hàng nghìn cây hương.
Và chắc hẳn lúc này thì câu hỏi lớn nhất của quý vị là những hóa chất này tẩm vào hương sẽ ảnh hưởng như thế nào đến cơ thể phải không ạ?
Để phát hiện xem những hóa chất được phát hiện trong quá trình sản xuất hương có tác động như thế nào tới sức khỏe người sử dụng và môi trường, phóng viên VTV24 đã phối hợp với Khoa Xét nghiệm và Phân tích thuộc Viện Sức khỏe Nghề nghiệp – Bộ Y tế để kiểm tra một số mẫu hương có bán trên thị trường.
Những kết quả chúng tôi vừa có được có lẽ khiến cho quý vị sẽ phải giật mình.
Những độc tố có trong hương
Bằng phương pháp chọn ngẫu nhiên 5 mẫu hương khác nhau, các chuyên viên phòng thí nghiệm đã tách riêng các thành phần bột hương và chân hương để xét nghiệm hóa chất có chứa bên trong.
Kết quả cho thấy các hóa chất như Axit Photphoric (H3PO4), Lưu huỳnh (S), Kali Nitrat (KNO3) đều được phát hiện có chứa trong bột hương và tăm hương.
Tiếp tục dùng phương pháp thu khói hương để kiểm tra thành phần hóa chất có trong khói. Với 3 nén hương đốt cháy trong thời gian 40 phút, kết quả xét nghiệm cho thấy khói hương khi cháy sẽ sinh ra nhiều loại khí độc như SO2, CO, NO2 – các loại khí này gây ảnh hưởng đến đường hô hấp, làm cay mắt, chảy nước mắt, choáng váng, đau đầu. Nếu ngửi nhiều sẽ làm tim đập nhanh, khó thở.
Cá biệt, khí Formaldehyd rất độc hại có trong khói hương cao hơn mức an toàn cho phép trong không khí tới 125 lần. Đây là hóa chất rất độc – được sử dụng trong quá trình ướp xác, nếu tiếp xúc nhiều sẽ làm tim đập nhanh, giảm thân nhiệt, có thể dẫn đến tử vong.
“Những hóa chất nhất định sẽ có ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe. Ví dụ như hàm lượng Formaldehyd sẽ ảnh hưởng tới đường hô hấp” – bà Lê Thái Hà – Phó Trưởng khoa Xét nghiệm và Phân tích, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường cho hay.
Không chỉ tạo ra hóa chất độc hại khi tăm hương bị đốt cháy, bản thân Axit Photphoric có nồng độ lên tới 85% cũng như Lưu huỳnh được sử dụng trong quá trình sản xuất cũng rất nguy hiểm với chính người làm hương.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Thức – Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường cho biết: “Nếu Axit Photphoric 85% thì độ độc tiếp xúc của nó là rất mạnh, có thể gây bỏng sâu. Lưu huỳnh sau khi đốt thì sẽ tạo ra SO2, SO hay SO3 bay lên thì có tác dụng diệt khuẩn và thấm sâu vào sản phẩm. Nếu chúng ta hít vào thì tác động tới con người rất là mạnh.”
Có lẽ nhiều người giống như tôi (PV) lúc này mới giật mình phát hiện ra là bấy lâu mình đã sử dụng những loại hương nhang độc hại đến như thế nào.
Chưa biết cầu nối đến với thế giới tâm linh được bắc ra sao, nhưng sức khỏe của chính người dân đang sống hàng ngày sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trên thực tế, từ xa xưa hương nhang đã được tạo ra từ các làng nghề truyền thống – đâu có thể xuất hiện những loại hóa chất ngâm tẩm độc hại như bây giờ.
Vậy những dòng nhang hương sạch, hương không tẩm hóa chất trên thị trường được bán như thế nào, sức tiêu thụ ra sao, liệu các đại lý hay là người tiêu dùng có tiếp nhận hay không?
Hương sạch và hương tẩm hóa chất – cuộc chiến không cân sức
Tại một cơ sở làm hương, tất cả các nguyên liệu đều có nguồn gốc từ thảo mộc. Nguyên liệu bột trầm có giá đắt gấp ~10 lần so với nguyên liệu mạt cưa, bột hóa chất; giá tăm tre cũng đắt gấp 3 lần.
Ngọc – một nhân viên kinh doanh của một công ty làm nhang sạch, đến từng gian hàng nhỏ trong chợ để giới thiệu nhang sạch. Ngọc nhận về phần lớn là lời từ chối.
Gặp tới 10 đại lý để giới thiệu nhang sạch nhưng chỉ có một đại lý đồng ý.
“Cái nào cũng có hóa chất, nhiều ít với độc hay không. Không có hóa chất làm sao cho nó cháy được”.
“Nhang nào nó cũng vậy à”.
“Nó chỉ là ít tàn ít khói thì công nhận là có, chứ nhang sạch là không bao giờ có”.
Trên đây là ý kiến của 3 người bán nhang hương tại chợ. Đến chính họ còn chưa có lòng tin vào nhang sạch không hóa chất – có lẽ nhang sạch vẫn còn là điều gì đó quá mới mẻ với cộng đồng.
Khi khảo sát một bó nhang thông thường có tẩm hóa chất giá chỉ 10.000 đồng và bó nhang sạch có giá vài chục nghìn đồng, chúng tối nhận được những phản ứng của người tiêu dùng như sau:
Người dùng thứ nhất:
- Tôi chọn bó này (chỉ vào nhang hóa chất).
- Tại sao ạ?
- Nó rẻ, dễ xài. Còn cái này nó mắc
Trường hợp thứ hai, rất nhanh chóng chỉ vào bó nhang hóa chất và nói:
- Cái này, vì cái này nó quen rồi.
Nhiều người tiêu dùng còn chưa mặn mà với nhang sạch, các cơ sở sản xuất nhang không sử dụng hóa chất cũng khó mà tiếp cận được với thị trường. Dù đã có nhiều phương thức quảng bá sản phẩm, thế nhưng hiện tại nhang hóa chất – nhang sạch vẫn là cuộc chiến không cân sức.
Phần kết
Với giá thành cao hơn nhưng an toàn hơn cho sức khỏe của người tiêu dùng thì sau những cảnh báo vừa rồi, hương sạch liệu có chỗ đứng trên thị trường hay không? Sẽ còn là bài toán nan giải không phải là một sớm một chiều.
Còn với người tiêu dùng, giữa một thị trường thật giả lẫn lộn. Hương tẩm hóa chất, không rõ nguồn gốc xuất xứ – không rõ nguyên liệu cấu thành thì lời khuyên tốt nhất dành cho quý vị đó là: Nên thắp hương trong những căn phòng thoáng khí, không nên thắp hương quá nhiều, kể cả ở những ngôi đình ngôi chùa. Vừa tiết kiệm vừa bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và những người xung quanh.
Theo VTV24