“Trong đau thương, Dó biến thành Trầm” – ngoài tự nhiên, trầm hương đã được hình thành đúng như vậy.
Chúng ta cùng tìm hiểu xem trầm hương là gì? Và tại sao trầm hương lại được coi là sản vật quý giá của tự nhiên, mang giá trị cả về kinh tế và tâm linh lớn đến như vậy.
Hiểu đúng về bản chất của trầm hương
Trầm hương thực ra là tên của một loại tinh dầu được chuyển hóa từ nhựa của cây dó (thường là giống cây dó bầu) và có tên thương mại quốc tế là Agarwood / Oud.
Không như nhiều người thường nghĩ, trầm hương thực chất không phải là tên một loại gỗ hay một loại cây, mà là sản phẩm của một loại cây đặc biệt. Đó là một chi thực vật thuộc họ Dó (Aquilaria) gồm 17 loài, và cây Dó bầu (tên khoa học Aquilaria crassna Pierre ex Lecomte) là loài dó tạo trầm nhiều nhất.
Các loài dó phân bố rải rác ở các quốc gia Châu Á, nhất là khu vực Đông Nam Á (Việt Nam, Lào, Campuchia, Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippin) và Trung Quốc…
Dó là một loại cây thân mềm, yếu. Khi thân cây Dó bị một vết thương (do va đập, bị côn trùng đục hay do sấm sét, bom đạn…) thì xung quanh chỗ bị thương được cây Dó tiết ra một loại dầu, như một dạng kháng sinh để bao bọc, chữa trị, ngăn không cho vết thương lan rộng ra, gây nguy hiểm cho cả cây.
Trải qua một thời gian dài, thiên thời địa lợi và bởi nhiều tác động, hấp thụ gió sương tự nhiên, tích lũy hơi thở đất trời, chỗ vết thương được cây bồi dưỡng sẽ chuyển hóa và tích tụ thành một loại tinh dầu, đó được gọi là Trầm Hương. Trầm càng lâu giá trị càng cao.
Tuy vậy, không phải cây Dó nào cũng có thể sinh ra trầm hương. Trong tự nhiên, cả nghìn cây dó cây mới có một cây có trầm.
Quá trình hình thành trầm hương theo một cơ chế tưởng chừng đơn giản như vậy nhưng lại vô cùng kỳ bí. Có rất nhiều thực vật chứa tinh dầu có thể phát hương, nhưng chỉ có trầm hương là thứ mùi hương khiến ai đã từng thử một lần sẽ không bao giờ quên.
Cho nên con người đã khẳng định, hương trầm là vua của các mùi hương.
Trầm hương được khai thác như thế nào?
Hiện nay, trên thị trường phổ biến hai loại Trầm hương là Trầm hương tự nhiên và trầm nhân tạo. Trong đó, trầm nhân tạo lại chia ra 3 loại: Trầm hương nuôi cấy (trầm trồng) và một loại trầm sánh (trầm sánh ghép) và loại thứ ba là trầm giả (hàng trầm nấu dầu – trầm ép dầu).
Quá trình hình thành và khai thác trầm hương tự nhiên
Trầm hương tự nhiên hình thành ở những cây Dó bị thương hoặc đã chết, phần gỗ bị mục hoặc từ những phần cây bị tổn thương trước đó, hoàn toàn không do tác động có chủ ý của con người. Trầm tự nhiên mất thời gian rất lâu để hình thành.
Trầm hương trong tự nhiên được khai thác và tìm thấy bởi phu trầm – những người săn trầm chuyên nghiệp (hay còn gọi là người đi điệu – đi địu). Phu trầm cũng phải đánh đổi nhiều công sức, mồ hôi, thậm chí cả máu và nước mắt để có thể tìm được cây dó có trầm.
Ở Việt Nam, vào tầm gần cuối thế kỷ XX, trầm hương tự nhiên do giá trị kinh tế rất cao đã bị khai thác mạnh mẽ và dần trở nên vô cùng hiếm hoi. Các cá thể cây dó mang trầm trong rừng hoang dã ngày càng cạn kiệt.
Khi trầm hương tự nhiên trở nên quý hiếm và cạn kiệt dần thì trầm hương nhân tạo (trầm trồng – trầm nuôi cấy) đã dần được nghiên cứu, phát triển để tiếp tục tạo nên nguồn sản phẩm kế cận cho trầm hương Việt Nam.
Chính vì tính quý hiếm nên trầm hương tự nhiên có giá cao hơn rất nhiều so với trầm hương nuôi cấy, đồng thời hàm lượng tinh dầu cũng chất lượng cao hơn.
Trầm nuôi cấy (trầm trồng)
Trầm hương nuôi cấy được tạo thành bằng cách tác động trực tiếp lên thân cây Dó (khoan, đục…) để làm cho cây bị thương, từ đó khiến cây tiết ra nhựa trầm, hình thành nên trầm hương.
Loại trầm trồng này còn được gọi là trầm vườn.
Nhờ việc có thể chủ động trong vấn đề tạo trầm nên trầm hương nhân tạo dễ dàng nhân rộng và dần trở nên phổ biến, gần gũi với đời sống của người dân Việt Nam nhờ mức giá thấp hơn đáng kể so với trầm hương tự nhiên.
Câu chuyện về nguồn cội Trầm Hương trong dân gian
Trầm Hương mang trong mình nhiều giai thoại kỳ bí – đặc biệt là Trầm hương Khánh Hòa lại mang màu sắc thiêng liêng và đặc biệt hơn hết thảy bởi nó gắn liền với truyền thuyết Nữ thần Thiên Y A Na, theo tiếng Chăm là Pô Nar Gar (Ponagar) – Bà Mẹ Xứ Sở.
Bà là người tạo nên cây cỏ cây vạn vật trong cõi nhân gian. Ngoài ra, Bà còn có công trong việc khai hóa và đem con người ra khỏi bóng tối lạc hậu. Bà dạy nhân dân cách cày cấy, kéo vải, dệt sợi,… Từ ấy ruộng nương mở rộng, đời sống của nhân dân mỗi ngày thêm phú túc, phong lưu. Trong ánh hào quang của Thần Ponagar luôn có hương thơm cao quý của Trầm Hương. Chính vì vậy, Trầm Hương xứ Khánh luôn được người dân nơi đây coi trọng và thành kính.
Tin liên quan: Những truyền thuyết về trầm hương
Mùi của trầm hương như thế nào?
Trầm hương nổi tiếng nhất cũng bởi mùi thơm của mình, cả khi ở trạng thái tự nhiên (trong thân gỗ) và tỏa hương đặc biệt mạnh mẽ khi được đốt lên.
Mùi của trầm là mùi rất đặc trưng, tuỳ vào mỗi vùng miền mà cây dó cho ra các sản phẩm trầm hương với đặc tính mùi khác nhau.
Trầm hương khi đốt tỏa ra mùi rất thơm không thể trộn lẫn với một loại hương thơm nào khác. Về cơ bản trầm có mùi ngọt, mùi thơm ấm, hương thơm đượm và lưu hương giữ lâu trong không khí. Khói có màu trắng xanh, bay thẳng lên.
Có thể bạn quan tâm: Cách xông đốt trầm hương
Công dụng của Trầm Hương
Trầm hương có giá trị không nhỏ về mặt sức khỏe, làm đẹp, phong thủy và tâm linh. Ở đây chúng ta sẽ đề cập tới ba công dụng chính của trầm hương.
Ý nghĩa to lớn với sức khỏe
Theo Đông Y: Trầm hương là dược liệu quý – một vị thuốc quý hiếm; có vị cay, tính ôn, cùng vị thơm ngọt dịu, bổ kinh thận, bổ nguyên dương, tỳ của trầm hương giúp giáng khí, làm ấm thận, giảm đau, an thần hiệu quả.
Song bên cạnh đó, kinh nghiệm cho thấy: mặc dù là thuốc quý, có tác dụng thiên về bổ, nhưng khi dùng trầm hương phải thận trọng cho người âm hư hỏa vượng, phụ nữ có thai.
Trong phòng ngủ nếu xông trầm sẽ giúp tạo bầu không khí trong lành, dễ chịu nhờ đó sẽ dễ ngủ và đem lại giấc ngủ sâu hơn. Đốt trầm nơi làm việc giúp giảm căng thẳng và xoa dịu tinh thần, đem lại sự minh mẫn trong tâm trí.
Ý nghĩa to lớn trong làm đẹp
Tinh dầu trầm hương (agarwood / oud) còn được dùng làm chất định hương, sử dụng trong sản xuất các loại chất thơm, nước hoa, mỹ phẩm cao cấp. Nhờ có tinh dầu trầm hương mà các loại mỹ phẩm tỏa ra mùi thơm dịu dàng, quyến rũ, đầy lôi cuốn.
Những thương hiệu nước hoa nổi tiếng thế giới như: Gucci, Bvlgari, Chanel, Dior, Burberry, Calvin Klein… đều triết xuất tinh dầu Trầm Hương để pha chế các loại nước hoa do tính năng ưu việt của nó. Đó là khả năng lưu giữ mùi hương rất lâu trên mọi bề mặt vật liệu thời trang và cơ thể.
Đây chính là nguyên liệu chính trong thành phần của các loại nước hoa có hương Oud, nổi danh như M7 của nhà Yves Saint Laurent hay Oud Fleur của nhà Tomford… Và còn nhiều hương Oud khác trong thế giới nước hoa quyến rũ cả hai giới.
Các loại kem dưỡng da, nước hoa có tinh dầu trầm hương có khả năng xóa vết nám, mụn, tàn nhang, làm đẹp da…
Ý nghĩa to lớn về phong thủy, tâm linh – tôn giáo
Trầm Hương mang trong mình linh khí trời đất nên được mệnh danh là tấm bùa hộ mệnh nhiệm màu.
Trầm hương có dương khí rất mạnh, nên việc kết hợp trầm hương trong phong thủy có thể xua đuổi được tà ma, điềm vận xấu, tai ương; tạo ra được những điều may mắn trong cuộc sống, kích thích được vượng khí, gia tăng tài lộc, giúp chủ nhân thuận lợi trong khoa cử, công việc thăng tiến thuận lợi; kinh doanh buôn bán hanh thông: xua đuổi phong long và giúp mua may bán đắt.
Những doanh nhân hay người đang sắp sửa làm việc lớn, sự kiện trọng đại (tân gia, khai trương…) hoặc người có mưu cầu an yên thường coi trọng đến những đồ vật tâm linh như vậy.
Nhiều người còn tin rằng hương trầm thơm giúp thanh lọc tính xấu của con người. Loại bỏ đi năng lượng tiêu cực, tĩnh tâm, giảm stress để vạn sự hanh thông.
Trung Đông là nơi dùng nhiều trầm hương nhất vì họ đặc biệt thích mùi trầm. Người theo Đạo Hồi thoa tinh dầu trầm hương vào người như nước hoa; vào các nhà thờ thì thấy mùi trầm nồng nàn mà êm dịu; đến tấm thảm để quỳ khi hành lễ cũng được tẩm tinh dầu trầm.
Trong đạo Thiên chúa, các nhà thờ cũng xông trầm hương trong các lễ nghi quan trọng.
Ở Việt Nam, trầm hương được chế tác thành chuỗi vòng đeo tay hoặc chuỗi đeo cổ, mặt dây chuyền như một lá bùa đem lại may mắn.
Gỗ trầm hương cũng được điêu khắc làm tượng (thường là các khúc chứa tinh dầu vừa phải), một số khác dùng làm trầm cảnh trang trí, vừa để trưng bày vừa để thưởng hương.
Tham khảo thêm: 8 công dụng của trầm hương
Các loại trầm hương: Kỳ nam, Trầm hương, Banh và Tốc
Trầm hương có rất nhiều cách phân loại, song chung quy gồm 2 phương pháp chính: phân theo phẩm cấp (theo chất lượng của tinh dầu trầm được tích tụ trong gỗ), phân theo địa danh – nguồn gốc.
Song cách phân loại trầm phổ biến nhất là phân theo chất lượng.
Trầm hương trên thị trường hiện nay được chia làm 4 mức phẩm cấp chính: cao nhất là Kỳ nam (gọi là kỳ – ở tầm cao hẳn), tiếp đó là Trầm hương (trong trầm hương thì cao nhất là trầm chìm (thả vào chìm trong nước), rồi tới hàng banh và phân cấp thấp nhất là hàng tốc.
Hạng nhất: Kỳ nam (hay còn gọi tắt là Kỳ)
Kỳ nam là loại trầm hương có phẩm chất cao và quý hiếm nhất. Kỳ chứa nhiều dầu nhất trong bốn loại.
Tương truyền khi để Kỳ nam ở đầu lưỡi thì đầu tiên sẽ có vị đắng giống trầm , sau đó là vị tê và the; khi nếm có vị chua, cay, đắng, ngọt; khi nhai thì dẻo và mềm, nhuyễn; khi đốt có hương thơm tự nhiên cùng khói xanh, bay thẳng và dài lên không trung.
Kỳ nam theo kinh nghiệm xưa được chia thành 4 loại, phân định theo giá trị rõ ràng qua câu ngạn ngữ: “nhất bạch, nhì thanh, tam huỳnh, tứ hắc”. Tên gọi của các loại kỳ dựa trên màu sắc của từng loại Kỳ nam khi cắt ra.
Các loại trên nếu còn non thì gọi chung là Kỳ hương (Kỳ pha hương),.
Đặc điểm của bốn loại kỳ được phân định rõ ràng qua tính chất và sắc vị, như:
- Bạch kỳ: Sắc trắng ngà, xám nhạt, vô cùng quý hiếm, ít khi có, đắt giá nhất.
- Thanh kỳ: Sắc xanh xám, ánh lục, rất quý hiếm, đứng hàng thứ hai.
- Huỳnh kỳ: Sắc vàng sẫm, vàng nâu, quý hiếm và đắt giá sau thanh kỳ.
- Hắc kỳ: Sắc đen chàm, hắc ín, quý và đứng thứ cuối.
Hạng hai: Trầm hương
Trầm hương hạng nhất thường là loại trầm hương có nhiều dầu, nặng (chìm trong nước). Theo dân gian thì trầm hương có vị đắng, hầu hết khi đốt mới tỏa mùi thơm, khói màu trắng, bay quanh rồi tan ngay.
Thị trường hiện nay gọi tên hàng trầm hạng nhất này với nhiều cái tên như: trầm chìm – trầm vip – trầm loại 1 – trầm super king…
Cũng có trầm hương không chìm nước nhưng mùi thơm thì lại rất tốt, được đánh giá rất cao (ví dụ như trầm rục; trầm có nguồn gốc vùng núi Nha Trang, Khánh Hòa…), có khi được định giá cao hơn cả loại trầm chìm của một số nước Đông Nam Á khác.
Hạng ba là Banh
Cấu trúc của Banh: chất dầu đã hình thành nhiều hơn và bắt đầu loang ra các thớ gỗ.
Đây là giai đoạn tinh dầu có chuyển hóa mạnh hơn Tốc (hạng 4), và chất lượng tinh dầu cũng có thay đổi rất nhiều. Về cấu trúc và chất lượng thì Banh và tốc tương đương nhau, nhưng về giá trị thì Banh là giai đoạn rất hiếm gặp nên giá trị tầm rất cao. Banh cũng thơm hơn tốc.
Hạng tư là Tốc
Tốc là hạng trầm có mức nhiễm dầu ít nhất trong ba loại trầm.
Cấu trúc của Tốc là lượng tinh dầu khá mỏng và ít, chủ yếu nằm trong các thớ gỗ của cây dó. Tinh dầu của tốc cũng khá là nhợt nhạt vì đây mới là giai đoạn chuyển hóa đầu tiên từ nhựa thành tinh dầu.
Trong phân khúc của Tốc cũng có nhiều loại chất khác nhau. Mỗi chất là một tên gọi để phân biệt và ám chỉ những giai đoạn, cách hình thành, hoặc đặc điểm vân của tốc. vd: Tốc bông, tốc kiến, tốc xí và rất nhiều loại tốc khác…
Có hàng chục loại tốc, và cũng chia làm rất nhiều cách phân loại, tên gọi. Nhưng theo tôi, đơn giản tốc vẫn chỉ là tốc. Vì ở phân khúc này, cách phân chia quá phức tạp cũng không cần thiết, dễ gây rối loạn cho người mới tìm hiểu. Còn những người đã thạo hoặc chơi trầm lâu, họ cũng thường ít còn sự quan tâm đến phân khúc này.
Có thể bạn quan tâm: Trầm hương ở đâu tốt nhất?
Những sản phẩm từ trầm hương phổ biến
Trầm hương hiện tại được chế tác tạo thành rất nhiều sản phẩm đa dạng, với nhiều ứng dụng khác nhau phục vụ cuộc sống hàng ngày.
Tùy từng sản phẩm khác nhau sẽ có những cách sử dụng trầm hương tương ứng.
Phổ thông nhất là các dòng sản phẩm:
- Hàng trang sức, mỹ nghệ nhỏ: vòng tay, vòng cổ, chuỗi tràng hạt, mặt dây chuyền, mặt nhẫn…
- Hàng mỹ nghệ lớn hơn: dùng làm trầm cảnh, tạc tượng, làm ban thờ…
- Hàng dùng xông đốt: nhang hương, nhang cây (nhang có tăm), nhang tăm (còn gọi là nhang không tăm – loại nhang không có cây tăm tre), nụ trầm, nụ thác khói, trầm miếng, giác trầm, trầm bột…
- Đồ thủ công khác: túi đựng trầm vụn – trầm miếng, bút trầm hương…
- Tinh dầu trầm: được chiết xuất từ cây dó có hàm lượng trầm thấp, hoặc những khúc trầm vụn nhỏ không chế tạo mỹ nghệ được. Chất lượng tinh dầu phụ thuộc vào nguyên liệu đầu vào cũng như công thức bí kíp riêng của người sản xuất.
Tới đây hẳn bạn đã nắm được cơ bản rằng trầm hương là gì, quá trình hình thành cũng như cách khai thác để thu hoạch trầm hương; công dụng của trầm hương trong cuộc sống cũng như cách phân định các loại trầm hương và các sản phẩm từ trầm hương dùng trong đời sống hàng ngày.
Hi vọng rằng bạn sẽ như tôi, đầu tiên là tò mò – tìm hiểu rồi sau đó là yêu thích và có thể sẽ trở nên đam mê trầm hương – sản vật tinh hoa được ví như sự hội tụ tinh túy của đất trời.
Cường Pê Tê (tổng hợp).